Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Thời Cuối Cận Kề?
Thêm Một Dấu Chỉ Vĩ Đại Xuất Hiện Trên Các Tầng Trời
Tác giả Patrick Archbold
Vào ngày 23 tháng 9 năm 2017, chúng ta sẽ chứng kiến sự giao hội của chòm sao Xử Nữ cùng với mặt trời ở ngay phía sau chòm sao (người nữ mặc áo mặt trời). Biến cố này xảy ra trong thời gian mừng kỷ niệm 100 năm những cuộc hiện ra của “người nữ mặc áo mặt trời,” Đức Mẹ của chúng ta tại Fatima năm 1917. Biến cố thiên văn này có ý nghĩa gì?
[Lưu ý của tác giả: Trong bài viết dưới đây, tôi muốn trình bày một loạt những dữ kiện và những sự quan sát mà từ đó tôi cũng không đưa ra một kết luận nhất định nào. Tuy nhiên, những dữ kiện và những điều được ghi nhận này có tính chất hết sức đặc biệt, nên việc chỉ ghi nhận và tường thuật lại, có thể khiến cho chúng bị diễn giải sai lạc.  
Vì vậy tôi xin được minh định rằng trong bài viết dưới đây, tôi không tiên đoán bất cứ điều gì. Tôi chỉ đưa ra những ghi nhận của tôi về một số hiện tượng đặc biệt cả về siêu nhiên và nhân tạo, có ý nghĩa hết sức đặc biệt một cách tiềm tàng mà người ta có thể coi là đáng quan tâm và cũng nên đề phòng.]
***
Dấu Chỉ Vĩ Đại Trên Trời
Điều gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta một dấu chỉ mà chúng ta lại không hề để ý đến? Điều gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta một dấu chỉ từ Thiên Đàng, như Người đã từng ban cho chúng ta trước đây, một điềm báo về những biến cố trọng đại và kinh hoàng? Chẳng lẽ chúng ta lại không buồn quan tâm đến? Có phải chúng ta, cũng như biết bao nhiêu người đã đi trước chúng ta, quá bận rộn trong cuộc sống thường ngày đến nỗi chúng ta chẳng bao giờ thèm tra cứu thông tin về điều gì nữa? Điều gì sẽ xảy ra nếu ngày hôm nay Thiên Chúa ban cho chúng ta một dấu chỉ từ Thiên Đàng? Liệu chúng ta có chú ý đến không? Và nếu chúng ta chú ý thì liệu chúng ta có quan tâm hay chỉ bài bác như là những thứ mê tín dị đoan không có ý nghĩa gì?
Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói với quý vị rằng sắp sửa có một biến cố thiên văn vốn thể hiện gần giống với một dấu chỉ trong Sách Khải Huyền, đáng kinh ngạc về độ chính xác, bối cảnh và thời điểm? Liệu quý vị có tìm hiểu không?
Khải Huyền 12, 1-5
“ Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao:
Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.
Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện:
Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.
Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.”
Ngôi Sao Bết-lê-hem
Trước khi bắt đầu, tôi nghĩ điều quan trọng là phải xác định một số ý nghĩa của bối cảnh. Chúng ta đang giữ một phần không thể chối bỏ và đã được xác định trong đức tin của chúng ta là 2.000 năm trước, Thiên Chúa đã dùng một biến cố thiên văn để thông truyền cho nhân loại, đó là Ngôi Sao Bết-lê-hem. Nhiều người, khi tưởng tượng về Ngôi Sao Bết-lê-hem, không biết họ có tưởng tượng hay không nữa, thường hay nghĩ về ngôi sao to lớn và sáng rực trên bầu trời Bết-le-hem thì rõ ràng đối với tất cả mọi người đến nỗi nó đã khiến các Đạo Sĩ thực hiện một cuộc hành trình dài để tìm kiếm đức vua được Thiên Chúa hứa ban.
Tôi biết rằng lối giải thích về biến cố này như vậy là sai lầm vì khi các Đạo Sĩ đến Giêrusalem, chỉ cách Bết-lê-hem 8 cây số, họ đã phải giải thích điều họ đã thấy là gì và tại sao họ lại hiểu điều ấy theo cách hiểu của họ như vậy. Vua Hê-rô-đê, triều đình của ông ta và toàn thể Giêrusalem hoàn toàn không biết gì về những biến cố liên quan đến Ngôi Sao Bết-lê-hem. Như chúng ta ngày nay, cư dân thành Giêrusalem cũng bận chăm lo cho gia đình họ và chu toàn những bổn phận hàng ngày của họ. Mặc dù dấu chỉ vĩ đại này loan báo sự ra đời của Đấng Cứu Thế, chính Con Thiên Chúa, điều đang xảy ra ngay trên đầu họ, nhưng họ đã không chú ý và cũng chẳng quan tâm đến dấu chỉ ấy.
Để hiểu được bối cảnh chính xác của dấu chỉ có nhiều khả năng nói về chương 12 của Sách Khải Huyền, thì việc tìm hiểu thêm về Ngôi Sao Bết-lê-hem sẽ tỏ ra có ích cho chúng ta. Ngôi sao Bết-lê-hem là gì và bằng cách nào mà các Đạo Sĩ nhìn thấy Ngôi Sao trong khi hầu hết mọi người đều không trông thấy? Câu trả lời ngắn gọn là: Các Đạo Sĩ đã chú tâm.
Tôi nghĩ đến một lập luận có tính thuyết phục rằng Ngôi Sao Bết-lê-hem là một loạt những sự kiện thiên văn thông thường nhưng lại có liên quan đến sự giao hội hiếm có vốn mang tính biểu tượng về sự ra đời của một vị vua. Điều quan trọng cần phải lưu ý là lập luận này dứt khoát không thuộc về khoa chiêm tinh học. Từ điển Bách Koa Toàn Thư của Anh định nghĩa khoa chiêm tinh học như sau:
“…một hình thức bói toán có liên quan đến việc đoán trước những biến cố thuộc về thế gian và con người qua việc quan sát và diễn giải về những tinh tú đã được xác định, Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh. Những tín đồ của khoa chiêm tinh học tin rằng việc hiểu được ảnh hưởng của các hành tinh và các vì sao đối với những vấn đề của thế sự sẽ cho phép họ tiên đoán và gây ảnh đến vận mệnh của những cá nhân, những tổ chức và những quốc gia.”      
Giáo Hội Công Giáo công khai kết án khoa chiêm tinh học, vì Giáo Hội kết án tất cả những hình thức bói toán (Giáo Lý Công Giáo số 2116). Nhưng những dấu chỉ giống như Ngôi Sao Bết-lê-hem thì không phải là bói toán về những vận mệnh mà những ngôi sao đó quy định, nhưng là hoạt động thiên văn thông thường với một ý tưởng là Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ đôi khi sử dụng công trình tạo dựng của Người để thông truyền cho nhân loại. Kinh Thánh có biết bao nhiêu những trường hợp chứng tỏ cho lập luận này. Thánh Vịnh 19 nói rằng:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.

 Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.

Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,

mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
(Thánh Vịnh 19, 2-5)
Chính Thánh Phaolô trích dẫn Thánh Vịnh này trong Thư gửi tín hữu Rôma khi ngài đưa ra lập luận rằng những người Do Thái nhận biết Đấng Mêsia đã đến.
Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô.

Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe giảng? Có chứ!
Tiếng các ngài đã dội khắp hoàn cầu,
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.”
(Rôma 10, 17-18)
Thánh Phaolô đưa ra lập luận rõ ràng rằng những người Do Thái đã nhận biết Đấng Mêsia vì các tầng trời đã báo cho họ biết như vậy. Rõ ràng Thánh Phaolô không tán thành chiêm tinh học, nhưng ngài chỉ ra rằng quả thật đôi lúc Thiên Chúa có thể sử dụng các tầng trời để loan báo những kế hoạch của Người. Người ta có thể nói biết bao nhiêu điều nữa về những sự khác biệt giữa chiêm tinh học và việc hiểu những dấu chỉ từ trời, nhưng giờ đây chúng ta có đủ chứng cớ để nói rằng việc chúng ta nhìn lên các tầng trời để tìm kiếm sự xác nhận và sự loan báo về những kế hoạch của Thiên Chúa là phải lẽ trong bối cảnh và trong việc áp dụng thích hợp.
Vậy thì Ngôi Sao Bết-lê-hem là gì? Như tôi đã đề cập, tôi nghĩ rằng có một lập luận có tính thuyết phục rằng Ngôi Sao Bết-lê-hem là một loạt những biến cố thiên văn với tính biểu tượng quan trọng. Quý vị có thể tìm hiểu chi tiết hơn tại trang bethlehemStar.com, nhưng tôi sẽ cố gắng nêu một cách vắn tắt như sau:
Vào năm thứ 3 hoặc thứ 2 trước Công Nguyên, đã xuất hiện sự giao hội ba lần hiếm có của Sao Mộc (hành tinh vua, do sự chuyển động ngược chiều của hành tinh này) và  Sao Vua (ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Sư Tử). Các Đạo Sĩ có thể đã hiểu sự giao hội ba lần hiếm có này là ánh đèn nê-ông khổng lồ trên bầu trời đang phát đi tín hiệu rằng VUA-VUA-VUA. Tất cả những hoạt động này đã bắt đầu vào Năm Mới của người Do Thái và tất cả đều xảy ra trong chòm sao Sư Tử (sư tử, một biểu tượng của chi tộc Giuđa). Vì thế hoạt động thiên văn này mang nặng tính biểu tượng về Vua Dân Do Thái xuất thân từ chi tộc Giuđa,  một dấu hiệu nhận biết rõ ràng đối với những ai biết về Đấng Mêsia. Hơn thế nữa, xuất hiện ngay phía sau chòm sao Sư Tử là chòm sao Xử Nữ cùng với mặt trời  và mặt trăng ở dưới chân chòm sao này.
Sau cuộc giao hội ba lần lạ thường này, Sao Mộc bắt đầu di chuyển về hướng tây trên bầu trời, cuối cùng Sao Mộc hội tụ với Sao Kim, một hành tinh từ lâu đã được coi là biểu tượng của  tình mẫu tử. Sự giao hội của hành tinh vua và hành tinh thể hiện tình mẫu tử gần gũi đến độ chưa có ai từng chứng kiến hiện tượng như vậy bao giờ và hai hành tinh này đã cùng nhau hình thành một khối vật thể sáng chói nhất trên bầu trời.
Tất cả những biểu tượng về một vị vua của người Do Thái từ chi tộc Giuđa và một Trinh Nữ đã đủ để  khiến những Đạo Sĩ am hiểu lên đường đi Giêrusalem, nhưng quý vị có thể hiểu được tại sao những cư dân bình thường tại Giêrusalem lại không thấy được biểu tượng ấy.
Sao Mộc đã tiếp tục di chuyển về phía tây trên bầu trời cho đến khi nó ngừng lại hẳn. Khi Sao Mộc ngừng lại (như quan sát được tại Giêrusalem), nó đã ngừng tại hướng chính nam, ngay trên ngôi làng nhỏ bé Bết-lê-hem vào ngày 25 tháng 12 năm thứ 2 trước Công Nguyên.
Người ta có thể quan sát hoạt động thiên văn này một cách dễ dàng với những chương trình quan sát thiên văn hiện đại vốn có thể cho quý vị thấy bầu trời đêm vào bất cứ ngày nào trong lịch sử, từ bất cứ góc quan sát nào. Chính nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những chương trình điện toán mà giờ đây nó có thể cho phép chúng ta không chỉ nhìn vào bầu trời trong quá khứ mà còn nhìn vào bầu trời trong tương lai.
Dựa vào bối cảnh của tất cả những điều mà tôi vừa mô tả ở trên, khi chúng ta hướng ánh mắt quan sát của chúng ta vào bầu trời trong tương lai, thì một lần nữa chúng ta lại được Thiên Chúa ban cho những dấu chỉ có tính biểu tượng hết sức quan trọng từ Thiên Đàng.
Chúng ta hãy cùng đọc lại những câu mở đầu trong chương 12 của Sách Khải Huyền.
 “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.”
Tác giả Sách Khải Huyền chỉ ra rõ ràng rằng thị kiến này là một dấu chỉ trên trời. Trong tương lai gần thì chúng ta sẽ nhìn thấy gì trên bầu trời?
Vào ngày 20 tháng 11 năm 2016, một biến cố thiên văn bắt sẽ đầu và sẽ kéo dài chín tháng rưỡi, đỉnh điểm của biến cố thiên văn này là sự trùng hợp đáng kinh ngạc với thị kiến trong chương 12 của Sách Khải Huyền. Tôi không phải là một nhà thiên văn, tất cả những nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng biến cố thiên văn với tất cả những tình tiết đặc biệt của nó, là độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại.
Vào ngày 20 tháng 11 năm 2016, Sao Mộc (hành tinh Vua) bước vào thân mình (cung lòng) của chòm sao Xử Nữ (trinh nữ). Sao Mộc do chuyển động ngược chiều, sẽ ở trong cung lòng của chòm sao Xử Nữ chín tháng rưỡi. Quãng thời gian này tương ứng với thời kỳ mang thai của một đứa trẻ được sinh ra muộn.
Sau chín tháng rưỡi, Sao Mộc xuất ra khỏi cung lòng chòm sao Xử Nữ. Khi Sao Mộc thoát ra (sinh ra), thì vào ngày 23 tháng 9 năm 2017, chúng ta sẽ chứng kiến chòm sao Xử Nữ với mặt trời mọc lên ngay phía sau nó. (người nữ mặc áo mặt trời). Dưới chân chòm sao Xử Nữ, chúng ta thấy mặt trăng. Và phía trên đầu chòm sao này chúng ta thấy mười hai ngôi sao, được hình thành bởi chín ngôi sao của chòm sao Sư Tử cùng với ba hành tinh là Thủy Tinh, Kim Tinh và Hỏa Tinh.
Điều đó thực sự rất đáng quan tâm và theo như tôi có thể xác định thì biến cố độc nhất vô nhị  với sự trùng hợp rất đáng kinh ngạc với thị kiến trong chương 12 của Sách Khải Huyền.
Vậy thì biến cố này có bất kỳ ý nghĩa gì không? Câu trả lời rõ ràng và chân thật là chúng ta thường không biết. Điều đó nói lên rằng chúng ta không hoàn toàn thiếu bối cảnh để hiểu được vấn đề.
Điều đáng kinh ngạc là những biến cố này xảy ra trong dịp kỷ niệm 100 năm những cuộc hiện ra của “người nữ mặc áo mặt trời,” Đức Mẹ Fatima vào năm 1917. Đỉnh điểm của những biến cố thiên văn này xảy ra chỉ 3 tuần trước ngày kỷ niệm 100 năm của phép lạ vĩ đại tại Fatima mà mặt trời đã “nhảy múa” (một dấu chỉ nữa từ Thiên Đàng), một biến cố mà biết bao nhiêu ngàn người đã chứng kiến.
Hầu như suốt thế kỷ sau biến cố vĩ đại này, chúng ta đã chứng kiến những lời cảnh báo của Đức Mẹ trở thành hiện thực với mức độ chính xác đáng kinh ngạc. Người ta đã không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa và chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh khủng khiếp, nhiều quốc gia bị hủy diệt, Nga đã truyền bá nhiều thứ lầm lạc của đất nước này ra toàn thế giới và nếu chúng ta thực lòng thì chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những thứ lầm lạc này thậm chí đã được truyền bá vào trong chính Giáo Hội. Tuy nhiên chúng ta vẫn chờ đợi những lời hứa của Đức Mẹ được hoàn tất, đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ toàn thắng và thời đại bình an được ban cho nhân loại.
Nhưng điều mà chúng ta có thể không biết là ngay trong chính biến cố Fatima, có những dấu hiệu cho thấy rằng thời điểm 100 năm có thể là điều quan trọng. Vào tháng 8 năm 1931, nữ tu Lucia đang ở cùng một người bạn tại Rianjo, Tây Ban Nha. Ở đó Chúa Giêsu đã hiện ra với nữ tu Lucia và Người đã buồn phiền cho nữ tu biết rằng những lời mời gọi của Mẹ Người đã không được người đời chú ý đến, Người nói rằng: “Hãy cho các mục tử của Ta biết rằng nếu họ đi theo gương của Vua nước Pháp trong việc hoãn thi hành lệnh truyền của Ta, thì họ sẽ đi theo ông ta vào nơi vô phúc. Không bao giờ là quá muộn để trông cậy vào Chúa Giêsu và Mẹ Maria.”
Lại nữa, trong một đoạn khác, nữ tu Lucia đã trích lại lời Chúa Giêsu nói rằng: “Họ không muốn chú tâm đến lệnh truyền của Ta!... Giống như Vua nước Pháp, họ sẽ phải hối hận vì điều ấy và họ sẽ ăn năn thống hối nhưng sẽ là quá muộn. Nga sẽ truyền bá những thứ lầm lạc của đất nước này trên thế giới, gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại chống lại Giáo Hội. Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ.”
Những đoạn nhắc đến Vua nước Pháp là rất đáng chú ý để chúng ta bàn tới vì điều này rõ ràng nhắc đến những lệnh truyền của Thánh Tâm Chúa Giêsu được ban cho Vua nước Pháp qua Thánh Margaret Maria Alacoque vào ngày 17 tháng 6 năm 1689. Vua Luois và các hậu duệ của ông đã không chú tâm đến lệnh truyền của Chúa Giêsu để công khai dâng hiến nước Pháp cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hậu quả là vào ngày 17 tháng 6 năm 1789, đúng 100 năm sau khi lệnh truyền được đưa ra, Hội Đồng Lập Hiến của Cách Mạng Pháp đã nổi dậy và tự xưng là chính phủ Pháp và đã tước hết quyền lực của vua. Sau đó nhà vua đã mất đầu trong cuộc bạo loạn.
Hiện nay không thể biết được sự liên quan trong cách nói ám chỉ 100 năm hoặc biết được có hay không và khi nào thì đồng hồ bắt đầu điểm, nhưng cách nói ám chỉ này thì thực sự đáng quan tâm và có liên quan trong bối cảnh này.
Và dĩ nhiên, nhiều người biết về thị kiến của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, qua đó người ta cho là ngài đã nghe Satan được ban cho 100 năm để tìm cách phá hủy Giáo Hội. Ngay sau thị kiến này, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã viết ra lời nguyện với Thánh Micae để cầu xin Tổng Lãnh Thiên Thần bảo vệ chúng ta trong trận chiến và bảo vệ chúng ta chống lại sự độc ác và cạm bẫy của Tên Ác Quỷ. Sau đó Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã thêm những lời nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae vào cuối Thánh Lễ mà sau này Công Đồng Vaticanô II đã dẹp bỏ.  
Vì chúng ta đang sống trong thời buổi nhiễu nhương của Giáo Hội khi mà chính những nền tảng đức tin và thậm chí chính những lệnh truyền của Chúa Cứu Thế cũng bị loại bỏ và bị coi thường, thì không thể không nhắc lại thị kiến của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII.
Khi nói về cuộc khủng hoảng hiện nay của chúng ta, trong thời đại của lòng từ bi giả tạo, thì tôi cũng phải lưu ý rằng ngày mà biến cố thiên văn bắt đầu, ngày 20 tháng 11 năm 2016, chính là ngày chấm dứt “Năm Thánh Từ Bi” mà Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố. Chính ngày ấy cũng là ngày lễ Chúa Kitô Vua.
Để kết luận tôi phải nhấn mạnh rằng tôi không đưa ra tuyên bố cụ thể nào về tầm quan trọng, nếu có, của biến cố thiên văn mà tôi đã mô tả ở trên. Hơn nữa, tôi cũng không đưa ra tuyên bố là biết về tương lai hoặc biết bất cứ biến cố nào sắp xảy ra có liên qua đến việc hoàn tất những lời hứa của Đức Mẹ Fatima. Giờ đây tôi chỉ thuật lại cho quý vị những điều ở trên vì tôi thấy bản thân mình cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như những Đạo Sĩ 2.000 năm trước. Tôi đang hướng lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con đang hướng về Chúa.”


Patrick Archbold  là người đồng sáng lập tổ chức Creative Minority Report và là một cây bút người Công Giáo chuyên viết về mối quan hệ giữa tôn giáo, văn hóa và chính trị. Khi không thực hiện công việc viết lách, Patrick làm giám đốc công nghệ thông tin tại một công ty hậu cần quốc tế lớn. Patrick, vợ ông và năm con sống ở Long Island, N.Y.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét