Trong ngày 17 tháng 10, Giáo Hoàng Phanxicô đã có buổi nói chuyện với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vốn đang bị chia rẽ trầm trọng, trong buổi nói chuyện này, ông đã xác nhận nhiều kế hoạch của ông ta nhằm thực hiện việc phân quyền trong Giáo Hội Công Giáo – trao thêm quyền tự do cho các hội đồng Giám Mục địa phương để họ thực hiện những giải pháp riêng của họ đối với những vấn đề về ly dị và hôn nhân đồng giới.
Đây là cơn ác mộng đối với những vị Hồng Y Công Giáo tuân giữ truyền thống, kể cả những vị sống và làm việc ở Vaticăn – một điều không làm ai ngạc nhiên. Họ đã nghĩ rằng họ có được đa số cần thiết trong thượng hội đồng nhằm ngăn chặn việc bỏ lệnh cấm đối với việc cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ hoặc việc Giáo Hội có bất cứ thái độ nhân nhượng nào đối với những cặp hôn nhân đồng giới.
Nhưng trong bài nói chuyện mang tính chủ đạo ngày 17 tháng 10 mà Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra khi thượng hội đồng bước vào tuần làm việc cuối cùng, ông đã nói với các nghị phụ rằng việc phân quyền sẽ được áp đặt từ trên xuống.
Trong khi cố ý đề cập đến bản thân mình như là ‘Giám Mục của Rôma’ nhằm đề cao sự hiệp nhất của ông ta với các Giám Mục khắp mọi nơi (đối lập với Curia – trung tâm điều hành chính của Giáo Hội tại Rôma – ‘Tòa Thánh Vaticăn’), ông ta đã viện đến quyền lực của Vị Giáo Chủ Tối Cao để loại bỏ những quyết định do những Hồng Y tầm thường đưa ra. Ông ta đã tuyên bố rằng: “Cao trào của thượng hội đồng Giám Mục là lắng nghe tiếng nói của Vị Giám Mục Thành Rôma, người được Thiên Chúa mời gọi để cất lên tiếng nói uy quyền trong vai trò là Mục Tử và Thầy Dạy của tất cả các Kitô hữu.” Đây là thứ ngôn ngữ độc đoán so với lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã sử dụng trong vai trò của một vị Giáo Hoàng. Theo tôi thì đó là những phát súng bắn thẳng. Có nghĩa là: “Cuối cùng thì quý ngài phải lắng nghe tôi chứ không có cách nào khác.”
Một lời tuyên bố đặc biệt khiến cho những người tuân giữ truyền thống phải cảm thấy khiếp sợ. Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các nghị phụ rằng: “ý thức về đức tin làm ngăn trở việc phân chia một cách rạch ròi giữa Giáo Hội Huấn Đức và Giáo Hội Hàm Thụ, vì giáo dân thì có những “cảm nhận” riêng của họ để nhận ra những con đường mới mà Thiên Chúa mặc khải cho Giáo Hội…” Câu nói này có ý nghĩa gì? Chúng ta sẽ phải chờ đợi đến khi Giáo Hoàng đưa ra cách hành xử cuối cùng đối với thượng hội đồng vào năm tới.
Lời tuyên bố này là một diễn biến hết sức kinh ngạc đến nỗi nó cần đến sự phân tích sâu rộng hơn một khi cuộc họp thượng hội đồng qua đi. Tôi định nói là ‘một khi sự việc lắng xuống’, nhưng trong viễn cảnh có thể nhìn thấy được thì tôi không hề nghĩ là sự việc lại có thể lắng xuống – ít ra là cho tới sau Mật Nghị Hồng Y bầu chọn Giáo Hoàng kế tiếp mà nhiều người Công Giáo truyền thống muốn diễn ra càng sớm càng tốt.
Dưới đây là những lý do mà tôi nghĩ là kế hoạch phân quyền của Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không thực hiện được:
- Đây là kỳ họp thượng hội đồng mà Giáo Hội Châu Phi thể hiện sức mạnh của họ. Và Giáo Hội Châu Phi rất tuân giữ truyền thống. Đức Hồng Y Robert Sarah đến từ Guinea đã tuyên bố rằng đối với Đức Tin Kitô Giáo thì những tổ chức vận động cho quyền lợi của những người đồng giới cũng nguy hiểm như tổ chức ISIS. Đức Hồng Y Sarah là Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và vì thế ngài là hồng y cao cấp nhất trong Curia. Nhưng với sự ‘can thiệp’ này thì ngài muốn chúng ta hiểu rằng ngài đang lên tiếng thay cho gần 200 triệu người Công Giáo Châu Phi. Việc ngài có thực sự đại diện cho họ hay không chỉ là vấn đề về quan điểm, nhưng theo tôi thì nhiều người sẽ không cho là Đức Hồng Y phỉ báng quan hệ đồng giới. Chúng ta nên để ý kỹ rằng: Đức Hồng Y Sarah và nhiều Đức Hồng Y Châu Phi không nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép những người ly dị và tái hôn được rước lễ – nhưng chừng nào quý vị để mặc chúng tôi hành động thì những người ly dị ở phương Tây có thể hành xử theo ý riêng của họ’. Họ đang lên tiếng tuyên bố rằng những luật buộc hiện nay phải được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Đức Hồng Y Sarah muốn nhắc đến đề nghị của Hồng Y Kasper trong việc cho phép các Giám Mục địa phương (nhưng trong thực tế là các linh mục địa phương và có thể là chính những người ly dị) tự quyết định lấy việc họ có thể rước lễ hay không.
- Những Nghị Phụ phóng khoáng hơn, khi đánh hơi thấy Giáo Hoàng Phanxicô sẽ sử dụng vị thế giáo hoàng như con bài chiến lược để quyết định có lợi cho họ, thì họ chỉ còn có nước là thông qua một bản sửa đổi trong kế hoạch của Hồng Y Kasper – và có thể sớm cho phép các linh mục đưa ngay vào áp dụng. Tổng Giám Mục Blaise Cupich của Chicago (một Giám Mục do Giáo Hoàng Phanxicô cắt đặt và sẽ sớm trở thành hồng y) đã tổ chức một buổi họp báo vào ngày thứ sáu và trong buổi họp báo đó ông đã nói như sau về việc cho những người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ: ‘[Người ta phải] thực hiện quyết định với lương tâm ngay lành…Tiếng nói của lương tâm là bất khả xâm phạm và chúng ta phải tôn trọng tiếng nói của lương tâm khi thực hiện những quyết định và tôi vẫn luôn làm như vậy.’ Nếu ông ta nói như vậy có nghĩa là những người Công Giáo ly dị có thể tự họ quyết định ‘với lương tâm ngay lành’ về việc rước Mình Thánh, thì những lời lẽ này đưa ông ta vào thế đối đầu với Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, một trong những vị Hồng Y cao cấp của Vaticăn ký tên vào bản kiến nghị cảnh báo Giáo Hoàng Phanxicô rằng thượng hội đồng do ông ta dẫn dắt có thể phá hủy tan tành Giáo Hội. Trong tất cả những con đường dẫn đến tình trạng ly giáo thì việc tranh cãi công khai về Bí Tích Thánh Thể là con đường nhanh chóng nhất.
- Nhiều người Công Giáo tuân giữ truyền thống không còn tin tưởng Giáo Hoàng Phanxicô nữa và con số những người không tin tưởng ông ta đã gia tăng mạnh mẽ kể từ khi bắt đầu tiến trình thượng hội đồng – mà tôi nghĩ là ông ta đã lèo lái lầm lạc một cách nghiêm trọng – kể từ tháng 10 năm ngoái. Nhiều linh mục và nhiều giáo dân Công Giáo vốn đã từng yêu thích con người này nếu không nói đến cung cách phụng vụ của ông ta và họ đã từng nghĩ rằng về cơ bản thì ông ta theo truyền thống mặc cho những lời phát biểu linh tinh của ông ta, đại loại như ‘tôi là ai mà đi phán xét’, nhưng giờ đây họ tin rằng ông ta đang gây nguy hại cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Những kẻ phóng khoáng đồng ý rằng việc chia rẽ là không thể tránh khỏi nhưng lại nhìn nhận rằng Chúa Thánh Thần đã có sự tác động của Người: cuối cùng thì Châu Phi cũng đã chia sẻ chính những thôi thúc mạnh mẽ bởi tình yêu của họ dành cho những người Công Giáo vốn đã bị thúc đẩy bởi những sự hỗn loạn của đời sống hiện đại mà bỏ qua giáo huấn của Giáo Hội về những hành vi tính dục. Nói một cách khác, những người theo đường lối phóng khoáng đang hy vọng có một phép lạ, đồng thời họ cũng đã trở thành những kẻ mới xuất hiện để ủng hộ quyền hành tuyệt đối của giáo hoàng.
- Hoàn toàn không rõ giáo hoàng muốn điều gì khi ông ta nói về ‘sự hiệp thông trong thượng hội đồng’, nhưng điều ông nói chắc chắn không có liên quan đến việc tăng thêm quyền hành cho Curia. Bằng việc loại bỏ bức thư từ những Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ Thần Vụ và Tổng Trưởng phụ trách Kinh Tế, thì Giáo Hoàng Phanxicô đang tự tách mình ra khỏi Tòa Thánh Vaticăn. Ông ta có thể không thoát ly hoàn toàn khỏi Vaticăn, nhưng việc ông không sống trong dinh thự dành cho Giáo Hoàng đang càng ngày càng trở nên đáng chú ý hơn. Ông ta đã quyết định đấu nhau với Vaticăn – và đây là điều mà nhiều giáo hoàng chỉ gây thiệt thân cho họ nếu họ thực hiện. Các Đức Hồng Y Muller, Sarah và Pell (và những vị Hồng Y có tầm cỡ khác vốn không có đủ can đảm để ký vào lá thư kiến nghị) coi Curia là thành trì bảo vệ Quyền Giáo Huấn của Hội Thánh, nơi lưu giữ đức tin. Chính vì để lưu giữ đức tin mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã thực hiện việc tập trung quyền hành của Giáo Hội. Những người Công Giáo truyền thống hiểu bài nói chuyện của Giáo Hoàng Phanxicô ngày thứ bảy là một bản tuyên ngôn cho việc đảo lộn tiến trình đó – và ở mức độ thâm sâu hơn nữa là loại bỏ di sản của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vì di sản này chứa đựng những giáo huấn vốn khó mà có thể hòa hợp được với chương trình hành động của giáo hoàng Phanxicô hiện nay. Vì thế theo quan điểm của họ thì Giáo Hoàng Phanxicô đang đối đầu với vị Giáo Hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại – đấng mà giờ đây đã được phong thánh và được chính thức nhìn nhận như là một sự hiện diện siêu nhiên trong đời sống của Giáo Hội. Thậm chí ông ta có thể đang thay đổi chính bản chất của triều đại Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội – và trong lúc sinh thời của đấng tiền nhiệm ông ta, chắc hẳn ông ta cũng thắc mắc liệu Thiên Chúa có thực sự muốn ngài phải thoái vị.
Còn nhiều điều khác để nói về tác động của Giáo Hoàng Phanxicô trong nỗ lực làm một cuộc cách mạng liên quan đến những sự chia rẽ giữa tôn giáo và thế giới tục hóa vốn đang ngày càng sâu sắc bên ngoài Giáo Hội trên khắp thế giới. Nhưng điều ấy được dành cho dịp khác. Suy nghĩ cuối cùng của tôi là nếu Giáo Hoàng Phanxicô muốn thực hiện những thay đổi sâu rộng về việc cử hành mục vụ, ngay cả thay đổi về tín lý thì có nhiều cách thức khôn ngoan hơn để đạt được mục tiêu thay vì tổ chức một thượng hội đồng bị chia rẽ một cách hết sức trầm trọng và rồi lại nói bóng gió rằng ông ta vẫn cứ tiến hành công việc theo ý riêng của ông ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét