Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Đức Hồng Y Arinze kết hiệp với các Đức Giám Mục Châu Phi nhằm bác bỏ những thay đổi do người ta đề xuất


“Chẳng lẽ chúng ta không nên gọi tên sự việc theo đúng bản chất của chúng, những gì tốt thì phải gọi là ‘tốt’ những và những gì là ‘xấu xa’ thì phải gọi là ‘xấu xa’ hay sao?”
Rôma ngày 19 tháng 10 năm 2015 – Đức Hồng Y Francis Arinze, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự đã kết hiệp với nhiều Giám Mục Châu Phi đồng hương của ngài trong việc lên án những thay đổi trong Giáo Hội mà người ta đang đề xuất.
Trong hai cuộc phỏng vấn mới đây, Đức Hồng Y Arinze đã bác bỏ đề xuất cho phép những người Công Giáo ly dị theo thủ tục dân sự và những người “tái hôn” được rước Mình Thánh.
Vào ngày thứ tư, ngài đã chia sẻ với trang mạng Crux rằng ngài tin người Châu Phi “muốn Thượng Hội Đồng có được tiếng nói rõ ràng rằng đời sống hôn nhân đến từ Thiên Chúa, là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ.”
Đức Hồng Y người Nigiêria khẳng định rằng: “Hôn nhân đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người,vì thế con người không thể nào tái tạo lại hoặc định nghĩa lại hôn nhân.”
“Chúa Kitô đã nói rằng: ‘Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly,” và theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo diễn giải Lời này để khẳng định rằng một cuộc hôn nhân hoàn hảo được thánh hóa bởi Bí Tích thì không thể bị phá bỏ bởi bất cứ thứ quyền lực nào.” Đức Hồng Y Arinze đã tuyên bố nhằm thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Hồng Y Walter Kasper nhằm chính thức cho phép những người ly dị sống ngoại tình được rước Mình Thánh. Ngài đã nhấn mạnh rằng “ngay cả quyền bính của Giáo Hội cũng không thể phá bỏ được bí tích hôn phối.”
Theo luật là như vậy nên nếu một người nam bỏ một người nữ hoặc yêu cầu người nữ chia tay hoặc người nữ cũng hành động tương tự và họ đều có bạn đời mới, thì Giáo Hội không thể chấp thuận những việc làm đó. Chúa Kitô dùng từ ngữ để chỉ một người sống như vậy là: “ngoại tình.” Chúng ta không thể sửa đổi những điều mà Chúa Kitô đã nói. Chúng ta không thể khôn ngoan hơn Người hoặc không thể tuyên bố rằng “có trường hợp mà Người đã không thấy trước.” Chúng ta không thể tỏ ra nhân từ hơn Chúa Kitô.
Đức Hồng Y nói tiếp:
Ý niệm về tội lỗi không phải là điều gì đó mới mẻ mà những người tuân giữ truyền thống trong Giáo Hội thời hiện đại sáng chế ra. Chính Chúa Kitô đã gọi đó là tội lỗi và người đã dùng đến từ “ngoại tình.” Người biết Người đang nói về điều gì. Nếu chúng ta không dựa trên nền tảng là Chúa Kitô thì làm sao mà chúng ta có thể tiến lên được?
Liên quan đến việc Giáo Hội sử dụng lời lẽ nhẹ nhàng hơn đối với tội ngoại tình và tính dục đồng giới, Đức Hồng Y Arinze tuyên bố rằng ngài tỏ ra nghi ngờ khi ngài nhấn mạnh rằng:
“Chẳng lẽ chúng ta không nên gọi tên sự việc theo đúng bản chất của chúng, những gì tốt thì phải gọi là ‘tốt’ những và những gì là ‘xấu xa’ thì phải gọi là ‘xấu xa’ hay sao?”
Ngài cũng không muốn các giám mục địa phương quyết định những vấn đề này.
Có phải anh muốn nói với tôi rằng chúng ta có Hội Đồng Giám Mục quốc gia trong từng đất nước vốn sẽ chấp thuận một điều gì đó mà Hội Đồng Giám Mục trong một quốc gia khác lại cho là tội lỗi? Chẳng lẽ tội lỗi lại sắp sửa thay đổi tùy theo biên giới quốc gia hay sao? Nếu vậy thì chúng ta sẽ trở thành những giáo hội mang tính quốc gia. Phải chăng đã không có những chi phái tôn giáo trên thế giới vốn đã đi gần đến mức nguy hiểm đó hay sao?
Những Hội Đồng Giám Mục quốc gia là quan trọng và nên có vai trò rõ ràng, nhưng tôi không nghĩ rằng Hội Đồng Giám Mục quốc gia nên ôm đồm những vấn đề này. Việc làm này tỏ ra nguy hiểm như thể một quốc gia có toàn quyền quyết định điều gì là đúng và sai.
Đức Hồng Y Arinze tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ “ý thức hệ mang tính thuộc địa”, một lối diễn tả mà Giáo Hoàng Phanxicô đã tạo ra nhằm chỉ trích những vấn đề ngày càng gia tăng của những nước giàu có ở phương Tây khi không chịu trợ giúp những nước nghèo hơn nếu những nước này không chấp nhận việc ngừa thai, phá thai, kiểm soát dân số hoặc chương trình hành động của những người đồng giới.
Gần đây nữa, khi trao đổi với trang mạng LifeSiteNews vào ngày thứ bảy, Đức Hồng Y Arinze đã giải thích vấn đề một cách chi tiết hơn liên quan đến việc để cho các Hội Đồng Giám Mục trong các quốc gia giải quyết những khác biệt thâm sâu về thần học theo những cách thức khác nhau.
Ngài đã diễn giải một cách khôn ngoan rằng: “Mười Điều Răn không tùy thuộc vào biên giới các quốc gia. Hội Đồng Giám Mục trong một quốc gia không thể cho phép rằng việc cướp ngân hàng thì không có gì là tội lỗi trong quốc gia đó, hoặc không thể cho phép rằng những người ly dị tái hôn có thể rước Mình Thánh trong quốc gia đó, nhưng khi quý vị đi ra khỏi biên giới và đến quốc gia khác thì bấy giờ những việc làm đó lại là tội.”
Đức Hồng Y Arinze đưa ra kết luận rằng: “Nếu chúng ta làm như vậy, thì chúng ta biến Mười Điều Răn trở thành việc đưa ra quyết định tùy theo cảm tính trong mỗi quốc gia. Chúng ta không được phép làm như vậy.”
Vấn đề này không thể quyết định một cách riêng rẽ là vì sự hiệp thông rất quan trọng của Giáo Hội dựa trên những vấn đề về đức tin và luân lý – mà theo như Đức Hồng Y Arinze giải thích thì đó là “một sự hiệp thông không phải do Tòa Thánh Vaticăn tạo ra, cũng không phải do các nhà thần học tạo ra.”
Đức Hồng Y đã tái khẳng định rằng: “Giáo Hội thực sự không phải là một Giáo Hội mang tính quốc gia, Giáo Hội là một thân mình trong Chúa Kitô.”
Trong khi Đức Hồng Y Arinze nhìn nhận tầm quan trọng của các Hội Đồng Giám Mục trong các quốc gia nhưng ngài vẫn giữ lập trường rằng các Hội Đồng Giám Mục không được phép gây ảnh hưởng để tạo ra những thay đổi mang tính bắt buộc liên quan đến đức tin hoặc luân lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét