Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Một cái nhìn sâu sắc hơn


Một cái nhìn sâu sắc hơn về việc

Giáo Hoàng Chế Nhạo Những Người Tuân Giữ Truyền Thống

Việc Giáo Hoàng kết án họ thiếu bác ái, đáng buồn thay lại thể hiện nơi chính những lời lẽ của ông ta.  

Tại Rôma, cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục đầy tai tiếng về gia đình đã phải thắng lết bánh mới dừng lại được vào cuối tuần trước nhưng chỉ sau khi Giáo Hoàng Phanxicô ra thêm một số đòn để công kích những người tuân giữ truyền thống, những người mà ông chế nhạo là vô cảm trong những lời chỉ trích cuối cùng của ông ta.
Bài diễn văn của ông ta đáng chú ý ở tính đê tiện của nó, đồng thời nó cũng thể hiện chính sự thiếu bác ái mà ông vẫn thường gán ghép cho những người tuân giữ truyền thống. Ông ta tuyên bố rằng cuộc họp Thượng Hội Đồng đã phơi bày “những tâm hồn khép kín vốn hay núp sau ngay cả những Giáo Huấn hoặc những đường hướng tốt của Giáo Hội, để ngồi trên tòa ông Mô-sê mà phán xét, đôi khi phán xét những hoàn cảnh khó khăn và những gia đình bị tổn thương bằng địa vị cao sang và bằng sự hời hợt bên ngoài.”
Ông nói tiếp rằng: “Mục đích của Thượng Hội Đồng là để mở ra những chân trời mới rộng lớn hơn, đồng thời vượt lên trên những thứ lạc thuyết và những quan điểm hẹp hòi, cốt là để bảo vệ và truyền bá tự do của con cái Thiên Chúa và để loan truyền vẻ đẹp của Tinh Thần Kitô Hữu Mới mà đôi lúc đã bị che lấp bởi thứ ngôn ngữ cổ xưa hoàn toàn khó hiểu.”
Với những đòn tấn công ào ạt mang tính khuynh tả của Giáo Hoàng Phanxicô, thì câu hỏi “Giáo Hoàng có phải là người Công Giáo không?” càng ngày càng tỏ ra thực tế hơn. Nếu những vị Giáo Hoàng tiền nhiệm đọc được những lời phát biểu nêu trên, thì họ sẽ đưa ra kết luận là người phát ngôn này mang trong mình tư tưởng thần học của những kẻ thuộc bè phái Thệ Phản phóng khoáng. Họ sẽ phát hiện ra những sự tương phản đầy giả dối giữa Thiên Luật và lòng từ bi mà Giáo Hoàng Phanxicô thường hay dựa vào, một thứ tình thương hời hợt, và họ sẽ phát hiện ra việc ông ta thường hay dùng đến những lỗi lầm nhỏ nhặt và  những việc làm mang tính động cơ để chống lại những người tuân giữ truyền thống, là một vết nhơ xấu xa đối với triều đại Giáo Hoàng. Với một Giáo Hoàng như ông ta thì những người Công Giáo chân chính không cần phải có thêm những kẻ thù.
Tất cả những phát biểu dõng dạc nhưng lệch lạc của các chuyên gia về “phong cách” của Giáo Hoàng tỏ ra rất kém thuyết phục. Ông ta chẳng hề có phong cách gì. Ông ta là một người Công Giáo theo cánh tả một cách công khai, hoàn toàn sống thoải mái với những thứ dị giáo hiển nhiên ngay trong dòng tu của ông ta và trong ban bệ đặc biệt cùng với những Hồng Y của ông ta. Hồng Y Walter Kasper, người mà Giáo Hoàng Phanxicô xác định là một trong những nhà thần học “yêu thích” của ông ta và Hồng Y Reinhard Marx của Đức, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông ta, xứng đáng là học trò của Martin Luther.
Những kẻ ra sức tuyên truyền một cách tuyệt vọng cho Giáo Hoàng đang nói rằng: Ông Phanxicô này có thể không có tư duy sâu sắc nhưng ít ra thì ông ta có tâm hồn quảng đại. Nếu quả thật là như vậy thì dường như ông ta có thể thông cảm với tất cả mọi người ngoại trừ những người Công Giáo chân chính, những người mà vì lòng trung thành của họ với đức tin đang phải sống với sự lấn lướt không ngừng của chủ nghĩa duy vật, và họ đang bị khinh miệt.
Giống như nhiều tu sĩ Dòng Tên hiện đại, Giáo Hoàng Phanxicô thường cho người nghe có cảm tưởng như là ông ta yêu quý mọi tôn giáo ngoại trừ tôn giáo của chính ông ta. Ai lại có thể tưởng tượng được việc ông ta ra rả nói về các giáo sĩ Hồi Giáo, giáo sĩ Do Thái hoặc thậm chí là nói về các bà sồn sồn trong phong trào phụ nữ đòi bình quyền một cách cay độc như cách ông ta thường dùng để khinh miệt những người Công Giáo truyền thống? Nếu ông ta làm như vậy, thì ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm về một cuộc khủng hoảng “đại kết”.
Vào lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng của ông ta, máy quay phim đã bắt được cảnh ông ta châm chọc một cậu bé giúp lễ nghiêm túc vì chắp tay lại một cách trang nghiêm. Giáo Hoàng đã hỏi cậu bé giúp lễ bị chọc cho ngượng ngùng rằng: Hai tay “dính” vào nhau à? Giai thoại về đoạn phim đó lại đang được loan truyền để gây cười nơi những tu sĩ Dòng Tên phóng khoáng. Khi ghé thăm hầu hết những trường học hoặc trường cao đẳng thuộc Dòng Tên, quý vị sẽ gặp phải những kiểu chế giễu phản Công Giáo tương tự như vậy mà người ta bày ra như là một hình thức “đổi mới.”
Trong những lời chỉ trích cuối cùng tại Cuộc Họp Thượng Hội Đồng, Giáo Hoàng Phanxicô đã mạnh mẽ công kích những người chân chính và ca ngợi những người không theo truyền thống, đồng thời ông xác định những người không theo truyền thống là “những người chân thật trong việc bảo vệ tín lý” vì họ ưu tiên cho “con người” thay vì ưu tiên cho “những tư tưởng”, vì họ “vượt qua được những cám dỗ có tính lặp đi lặp lại của người anh cả (Lc 15,25-32) và và những người thợ làm vườn nho ghen tỵ (Mt 20:1-16).”
Nếu những vị Giáo Hoàng trong tương lai có xem xét những lập luận rẻ tiền này một cách nghiêm túc, thì họ sẽ phải viết lại dụ ngôn đứa con hoang đàng, đồng thời phải loại bỏ bất cứ lời kết án nào đối với cậu ta vì ăn chơi với bọn đàng điếm. Hóa ra việc ăn ở với nhau bên ngoài đời sống hôn nhân bất khả phân ly lại chẳng phải là vấn đề gì to tát. Câu chuyện có thể được viết lại với tựa đề là: đứa con cấp tiến, một đứa con tiên phong của “Tinh Thần Kitô Hữu Mới” mà việc trao Mình Thánh cho những người sống trong tình trạng ngoại tình đang hứa hẹn. Trong câu chuyện đứa con cấp tiến, thì người cha bị ám ảnh bởi tội lỗi sẽ phải khóc vì tính cứng nhắc của chính ông ta và ông sẽ nhờ hãng chuyển phát nhanh FedEx giao con bê đã vỗ béo đến tận nhà thổ mà cậu con đang ở.
Theo lời Hồng Y Donald Wuerl khi phát biểu với tạp chí America, một tạp chí của Dòng Tên vốn tự đề cao Dòng Tên về việc hạ thấp truyền thống gia đình Công Giáo bằng những luận điệu cổ võ cho thứ luân lý hiện đại, thì cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục là một thành công lớn, vì cuộc họp này đã đưa Giáo Hội ra khỏi “quy định của giáo luật” và hướng đến một sự tự do trong việc “hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu Kitô đã nói với các môn đệ của Người rằng: “‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” Người ta có thể hiểu đây là lời phê phán của Người đối với Cuộc Họp Thượng Hội Đồng mà ở đó Giáo Hội đã chuyển ‘không’ thành ‘nửa có’, ‘nửa không’. Một sự mờ ám của tên ác quỷ là thứ chính thống mới và thứ “không khí trong lành” của Giáo Hội ngửi giống như mùi khí thối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét