Trong suốt tháng 10, một dòng thác lũ của những cảm xúc lo âu, tức giận, hoang mang và thậm chí là tuyệt vọng đã càn quét các tín hữu Công Giáo. Những bản phúc trình từ Rôma liên quan đến Thượng Hội Đồng đã cho người ta cảm giác thực sự của việc ngồi trên tàu lượn. Trước hết là việc xuất hiện những bản phúc trình cho thấy rằng Thượng Hội Đồng có thể bỏ phiếu để thông qua việc cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước Mình Thánh, nhưng rồi lại xuất hiện những lời đồn đại nói rằng đề xuất của Hồng Y Kasper đang bị loại bỏ. Đã có một sự bàn bạc hết sức sâu rộng về vấn đề tính dục đồng giới tại Thượng Hội Đồng. Giáo Hoàng Phanxicô đã loan báo việc thành lập một thánh bộ mới về gia đình và Giáo Hoàng cũng đã kêu gọi việc phân quyền trong Giáo Hội.
Trong khi đó các tín hữu Công Giáo lại đang nghe văng vẳng những lời tiên tri của Đức Mẹ tại Akita về việc “Hồng Y chống đối Hồng Y, Giám Mục chống đối Giám Mục,” một phần cũng là vì những việc làm mờ ám của một số nghị phụ nhằm thao túng Thượng Hội Đồng. Trong tất cả những diễn biến này, thì câu nói được các tín hữu Công Giáo nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là lời hứa của Chúa Giêsu rằng: “Cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được [Giáo Hội].”
Câu 18 chương 16 của Thánh Mátthêu là câu Kinh Thánh thích hợp nhất để suy niệm trong thời buổi hoang mang hiện nay, vì câu này dường như ứng nghiệm với biết bao nhiêu mức độ khác nhau. Trong câu này, Chúa Giêsu đã nói rằng: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được.” Theo cách hiểu thông thường thì cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được Giáo Hội có nghĩa là Giáo Hội sẽ không dạy dỗ điều lầm lạc hoặc Giáo Hội không bị hủy diệt. Nhưng liệu có cách diễn đạt nào khác có ý nghĩa tương đương mà ta có thể chấp nhận được không? Khi nhắc đến việc xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô trên đá tảng để nói lên ý nghĩa rằng Giáo Hội thì trường tồn và không mắc sai phạm, thì ý nghĩa này tỏ ra thích hợp hơn. Vì thế, phần nói về cửa Hỏa Ngục có thể có ý nghĩa khác.
Chúng ta hãy xem xét câu Kinh Thánh này trong ba phần:
- Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá
- trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy
- cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được
Trong phần đầu của câu nói này, Chúa Giêsu đặt lại tên cho ông Simon là Phêrô. Chúa Giêsu đã gọi Phêrô là Tảng Đá, một vật không đổi dời; một nền tảng. Cũng như khi Thiên Chúa khắc 10 Điều Răn vào đá để xác định rằng những lề luật này là trường tồn và không đổi dời, khi Chúa Giêsu Nhân Lành gọi ông Simon là một “tảng đá” (Phêrô), thì Người cũng xác định rằng giáo huấn chính thức mà Phêrô ban bố là trường tồn và không đổi dời.
Phần thứ hai trong câu Kinh Thánh này nói về nền tảng của Giáo Hội dựa trên sự vững bền không hề mắc sai lầm trong quyền giáo huấn của Thánh Phêrô. Khi Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người trên đá tảng có tên gọi là Phêrô, thì Người đang nhắc lại dụ ngôn của Người về hai ngôi nhà khác nhau, một ngôi nhà được xây trên nền đá vững chắc và một ngôi nhà khác được xây trên cát. Trong dụ ngôn đó, Chúa Giêsu đã nói rằng:
"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.” (Mt 7, 24-25)
Chính qua dụ ngôn này cùng với việc Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh của Người trên tảng đá có tên gọi là Phêrô mà Chúa Giêsu phán rằng Giáo Hội sẽ không bao giờ sụp đổ. Nói một cách ngắn gọn thì Phêrô là tảng đá mà giáo huấn chính thức của ông sẽ không bao giờ bị sai lầm. Giáo Hội được xây trên tảng đá này và cho dù sự việc trên thế giới này có tồi tệ đến đâu đi chăng nữa thì ngôi nhà Giáo Hội sẽ không sụp đổ.
Tuy nhiên, phần ba trong Câu 18 chương 16 của Thánh Mátthêu mới là điều gây thắc mắc nhất. Chúa Giêsu đã nói rằng: “cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được.” Trong tiếng Hy Lạp, từ “gates” (cửa) là pulai mà một số Giáo Phụ đã dùng để chỉ quyền bính hoặc quyền lực. Vậy thì rõ ràng là “cửa Hỏa Ngục” nói đến quyền lực trong vương quốc của tên ác quỷ khi hắn ra sức hủy diệt Giáo Hội. Khi hiểu theo cách này thì chúng ta thấy có ý nghĩa hơn khi nói rằng “cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được Giáo Hội” cũng có nghĩa là: “quyền lực Hỏa Ngục sẽ không thắng được.” Trong khi chúng ta nên hiểu câu Kinh Thánh này là như vậy, chúng ta cũng đưa ra giả định là có một cách hiểu sát nghĩa đen nữa. Khi nghe thoáng qua thì câu nói này của Chúa Giêsu ám chỉ một tư thế phòng thủ khi Người nói rằng “cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được Giáo Hội.” Nhưng nếu hiểu theo nghĩa đen của câu này thì câu nói này không mang tính phòng thủ mà mang tính phản công, vì một lý do đơn giản là: cửa thì không phải là vũ khí tấn công.
Chúng ta hãy đọc kỹ hai câu chuyện trong Cựu Ước để xem chúng ta có thể hiểu một phần nào đó những điều mà Chúa Giêsu muốn nói. Câu chuyện thứ nhất có trong Sách Thủ Lãnh:
Ông Sam-sôn đến Ga-da. Tại đây ông gặp một cô điếm và đi với cô.
Người ta báo cho những người Ga-da rằng: "Sam-sôn đã tới đây." Họ liền bao vây và rình ông suốt đêm ấy ở cổng thành. Họ ở yên suốt đêm mà rằng: "Đợi đến tảng sáng, ta sẽ giết hắn." Nhưng ông Sam-sôn nằm ngủ tới nửa đêm, và giữa đêm ông trỗi dậy, nắm lấy cánh cổng thành cùng với hai cây cột, nhổ luôn cả then ngang, rồi vác lên vai, đi trên đỉnh núi đối diện với Khép-rôn. (Thủ Lãnh 16,1-3)
Trong Cựu Ước, Sam-sôn được đề cập đến như là một “tiên trưng.” Một tiên trưng có thể là một người, một nơi chốn hoặc một biến cố trong Cựu Ước vốn báo trước về một người, một nơi chốn hoặc một biến cố trong Tân Ước. Ông Sam-sôn là một tiên trưng cho Chúa Giêsu Nhân Lành và Giáo Hội. Trong câu chuyện này vốn rất ngắn và dường như không có gì liên quan, ông Sam-sôn ngủ tại cổng thành của quân địch, nơi mà ông sắp sửa bị mai phục và rồi ông nắm lấy cổng thành cùng với hai cây cột và vác lên một ngọn đồi. Ông Sam-sôn vác cổng thành lên ngọn đồi thì rõ ràng là một hình ảnh báo trước việc Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Canvê, nhưng với tư cách là một tiên trưng của Giáo Hội, thì điều thú vị là những gì ông Sam-sôn vác lại là cổng thành của quân địch. Không chỉ kế hoạch mưu sát ông Sam-sôn thất bại mà cổng thành cũng thực sự không thắng được sức mạnh của ông Sam-sôn.
Chúng ta cũng xem xét chiến thắng của ông Giô-suê đối với thành Giê-ri-khô. Giê-ri-khô trong Cựu Ước nổi tiếng là độc ác. Thành này độc ác đến nỗi khi chiếm được Giê-ri-khô, ông Giô-suê không chỉ ra lệnh thực hiện án tru hiến đối với mọi người sống trong thành mà còn đối với tất cả thú vật ngoại trừ cô kỹ nữ Ra-kháp và mọi người ở với cô trong nhà, vì cô đã giấu các sứ giả của ông Giô-suê. Hơn nữa, sau khi san bằng toàn bộ thành phố, ông Giô-suê đã nguyền rủa thành mà rằng:
“Trước nhan ĐỨC CHÚA, khốn cho kẻ đứng lên
tái thiết thành Giê-ri-khô này!
Kẻ nào đào móng dựng nền,
thì con đầu lòng của nó phải chết;
kẻ nào dựng cổng xây tường,
thì con út của nó phải mạng vong!” Nói một cách ngắn gọn thì Giê-ri-khô có thể là một hình ảnh tiên trưng của Hỏa Ngục.
tái thiết thành Giê-ri-khô này!
Kẻ nào đào móng dựng nền,
thì con đầu lòng của nó phải chết;
kẻ nào dựng cổng xây tường,
thì con út của nó phải mạng vong!” Nói một cách ngắn gọn thì Giê-ri-khô có thể là một hình ảnh tiên trưng của Hỏa Ngục.
Lúc bắt đầu câu chuyện ông Giô-suê đánh chiếm thành Giê-ri-khô, thì chúng ta thấy rằng “Giê-ri-khô đóng kín cổng thành, phòng thủ chống lại con cái Ít-ra-en: nội bất xuất, ngoại bất nhập.” (Giô-suê 6,1). Tường thành Giê-ri-khô thật đáng nể bởi độ vững chắc không thể công phá được và như Kinh Thánh mô tả thì cổng thành được đóng kín. Câu 1 chương 9 trong Sách Đệ Nhị Luật cho thấy rằng Giê-ri-khô là thành lớn và “tường luỹ ngất trời.” Nhưng Giê-ri-khô, một thành chất chứa đầy tội ác, đã sụp đổ không phải do khí giới mà do đức tin. Câu 30 chương 11 trong Thư Do Thái nói rằng: “Nhờ đức tin, tường thành Giê-ri-khô đã sụp đổ, sau khi dân Ít-ra-en đi vòng quanh trong bảy ngày.”
Tường thành Giê-ri-khô đã sụp đổ vì ông Giô-suê đã làm đúng như Thiên Chúa đã truyền… qua việc cầu nguyện, vâng phục và rước Hòm Bia Giao Ước chung quanh thành, “ngay lập tức tường thành sụp đổ tại chỗ.” (Giô-suê 6, 20). Tường thành Giê-ri-khô đã không thắng được dân Israel. Nói một cách chính xác hơn thì tường thành đã sụp đổ vì những lời cầu nguyện và vì những tiếng kèn vang lên từ các tư tế và đám rước chung quanh Hòm Bia. Theo những cách diễn đạt của Tân Ước thì một cuộc chiến mạnh mẽ như vậy sẽ được dẫn dắt bởi những lời cầu nguyện của các Linh Mục và Giám Mục, những người vây quanh Hòm Bia Giao Ước Mới là Đức Trinh Nữ Maria Đầy Ơn Phúc. Nói một cách ngắn gọn thì lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng: “Cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được [Giáo Hội]” là lời khẳng định mang tính tấn công chứ không phải phòng thủ. Và vì Đức Mẹ là Hòm Bia Giao Ước Mới nên chúng ta được nhắc nhở về lời Mẹ nói tại Fatima rằng: “Cuối cùng thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ toàn thắng.”
Khi Giáo Hội tấn công những thành lũy của Hỏa Ngục thì Hỏa Ngục không bảo vệ được. Những cánh cổng sẽ được kéo ra khỏi bản lề và được vác đi. Tường thành sẽ sụp đổ. Vì Thiên Chúa đã phán với con rắn trong Vườn Địa Đàng rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ nghiền nát đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (ST 3,15). Nói một cách ngắn gọn thì quỷ dữ trong Hỏa Ngục không thắng được Giáo Hội và chỉ có thể chờ đến ngày Giáo Hội nghiền nát đầu nó. Lời hứa của Chúa Giêsu rằng: “cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được [Giáo Hội],” không phải là một lời khẳng định mang tính chịu đựng và cố thủ trước những cuộc tấn công của tên ác quỷ nhưng là một lời hiệu triệu đầy vui mừng để kêu gọi chúng ta bước theo Đức Mẹ trong cuộc công phá cổng thành của quân thù để giành chiến thắng!
Vậy thì quý vị hãy gạt qua một bên nỗi sợ hãi, nỗi tức giận, sự hoang mang và những cảm xúc bất an và hãy cầm lấy khí giới…Kinh Mân Côi Rất Thánh…và mạnh dạn bước ngay vào cuộc chiến chống lại quyền lực của Hỏa Ngục và hãy ghi khắc trong tâm trí những lời của ông Giuđa Macabê:
“người ta thắng trận không phải nhờ số quân đông đảo, nhưng là nhờ Trời ban cho sức mạnh. Chúng nó đến đánh chúng ta, thật bạo ngược gian tà, nhằm tiêu diệt chúng ta và vợ con chúng ta, rồi cướp bóc chúng ta ; còn chúng ta, chúng ta giao chiến để bảo toàn sinh mạng và các tập tục của chúng ta. Chính Trời sẽ nghiền nát chúng nó trước mặt chúng ta ; vậy anh em đừng sợ !"
Lạy Đức Mẹ Ban Ơn Chiến Thắng, xin cầu cho chúng con!
Chuyển dịch từ nguồn: http://www.churchmilitant.com/news/article/the-synod-and-the-gates-of-hell
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét