Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Quá đủ rồi, Giáo Hoàng Phanxicô nên từ nhiệm thôi

June 16, 2016: Pope Francis talks during the opening of a meeting of Rome's diocese in Saint John Lateran basilica in Rome, Italy.
Giáo hoàng Phanxicô trong buổi khai mạc hội nghị của Giáo Phận Rôma, ngày 16 tháng 6 năm 2016
Triều đại 3 năm của Giáo Hoàng Phanxicô, vốn đã bị hoen ố bởi những tranh cãi ngay từ ban đầu, giờ đây lại rơi vào tình trạng tồi tệ mới.

Sau khi hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm người kế vị Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI vào năm 2013, ông ta đã nhanh chóng chứng tỏ tiếng tăm của ông ta như một kẻ không sống theo khuôn phép, một kẻ lập lờ nước đôi khi phải giải thích cho ra lẽ thì lại đưa ra những tuyên bố bằng những lời lẽ mờ ám.
Từ lời tuyên bố của ông ta về những người đồng tính: “Tôi là ai mà lại đi xét đoán?”, lời tuyên bố này dường như đưa ra gợi ý về một sự thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội, cho đến những phát biểu linh tinh của ông ta về việc ngừa thai, cho đến lời tuyên bố mới đây của ông ta rằng Donald Trump không phải là một Kitô hữu, thì những phát biểu động trời của ông ta lần này đang gây ra những tin tức báo chí hàng đầu trên khắp thế giới; sau đó thì Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh thường đưa ra những thứ giải thích để làm “sáng tỏ”.
Triều đại Giáo Hoàng của ông ta là một chuỗi dài những phát biểu gây hoang mang cho các tín hữu về những vấn đề nhạy cảm và tế nhị. Trong khi tỏ ra rõ ràng về những vấn đề chính trị mà ông ta yêu thích, nhưng những người Công Giáo lại có thể có những quan điểm khác biệt, chẳng hạn như vấn đề di dân, những vấn đề về kinh tế và biến đổi khí hậu, thì đối với những vấn đề về tín lý, Giáo Hoàng Phanxicô lại làm cho phức tạp đến độ nhiều người Công Giáo tốt lành cảm thấy họ không biết quan điểm của Giáo Hội về những vấn đề đức tin này là gì.
Gần đây nhất, trong những phát biểu động trời của ông ta hôm thứ năm, khi được hỏi về đời sống hôn nhân, thì ông đã nói rằng:
 “Nó chỉ là vấn đề tạm thời và vì là tạm thời, nên đại đa số các cuộc hôn nhân theo bí tích của chúng ta là vô hiệu. Vì họ nói ‘đồng ý trong suốt đời tôi!’ nhưng họ không biết là họ đang  nói gì. Vì họ có một văn hóa khác biệt. Họ thề hứa đấy, họ có ý tốt đấy, nhưng họ không biết.”
Khi nói rằng “đại đa số” các cuộc hôn nhân Công Giáo là vô hiệu, thì đây là một tuyên bố không chân thật, không khôn ngoan và cũng không công bằng. Do đó Tòa Thánh Vatican đã ghi lại lời phát biểu của ông ta bằng chữ viết để sửa lại thành “một phần trong những cuộc hôn nhân theo phép bí tích của chúng ta là vô hiệu,” khi họ nhận thấy rõ ràng rằng lời tuyên bố này của giáo hoàng Phanxicô có thể gây nguy hại.
Với biệt danh là “giáo hoàng của dân chúng”, thì chắc chắn ông ta không giữ cho người Công Giáo chút tiếng tốt nào. Để cho một cuộc hôn nhân Công Giáo có hiệu lực thì tất cả những gì cần phải có là sự tự do để kết hôn, sự ưng thuận từ cả hai phía, ý hướng kết hôn để sống trọn đời và sẵn sàng có con cái. Tất cả chỉ đòi hỏi có thế.
Trong nhiều năm, một số vị trong hàng giáo sĩ đã dùng đến lối diễn giải của giáo luật để gợi ý rằng sự “trưởng thành về mặt tình cảm” có thể là một lý do đối với việc không hiểu những trách nhiệm của đời sống hôn nhân, và vì thế bị coi là vô hiệu và có khả năng để tiêu hôn. Nhưng đời sống hôn nhân không phải là khó để hiểu và nghi thức Công Giáo của Bí Tích Hôn Phối cũng như sự chuẩn bị mà các cặp đôi phải trải qua trước đó, giúp người ta hiểu rõ đời sống hôn nhân liên quan đến những gì.
Việc Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng đại đa số các cuộc hôn nhân là vô hiệu ám chỉ rằng đại đa số những những người Công Giáo là những kẻ ngu dốt không hiểu biết, những người không thể hiểu được những trách nhiệm của nền tảng trong xã hội vốn đã tồn tại hàng ngàn năm qua.
Lời tuyên bố này cũng gây nên mối nghi ngờ khủng khiếp về lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Nguyên tắc chung khi nói đến tính hiệu lực của các Bí Tích, cho dù là Bí Tích Hôn Phối, Bí Tích Thánh Thể hoặc tác vụ linh mục có liên quan, là giả thiết rằng tất cả những việc cử hành ấy là có hiệu lực trừ khi có điều gì đó rõ ràng cho thấy là hoàn toàn trái ngược lại. Vì thế ngay cả khi một linh mục nghi ngờ về đức tin của ông ta khi ông được thụ phong linh mục, thì ông ta vẫn là linh mục, một chàng rể với những mối lo nặng lòng, thì vẫn là kết hôn theo giáo luật – Thiên Chúa bù đắp cho những sự yếu đuối của chúng ta.
Những lời lẽ của Giáo Hoàng Phanxicô gieo mối nghi ngờ của tên ác quỷ vào tâm trí và tâm hồn những cặp đôi người Công Giáo vốn có thể đang phải trải qua giai đoạn sóng gió; thay vì họ nói rằng: “Chúng ta là người Công Giáo, chúng ta đã cưới nhau và chúng ta phải sống với nhau đến cuối đời” thì giờ đây họ lại có thể nói rằng: “Kìa xem, giáo hoàng nói rằng dù sao thì phần lớn các cuộc hôn nhân là vô hiệu… có thể cuộc hôn nhân của chúng ta cũng vô hiệu” và thế là họ bỏ cuộc.
Tuyên bố của giáo hoàng Phanxicô cho thấy sự mất niềm tin vào Giáo Hội và khả năng của Giáo Hội trong việc đánh giá những cặp đang tìm cách tiến đến đời sống hôn nhân, dạy dỗ họ về đời sống hôn nhân và cử hành các Bí Tích cho họ một cách có hiệu lực. Nếu phần lớn các cuộc hôn nhân là vô hiệu vì các cặp đôi không hiểu được ý nghĩa của lời kết ước suốt đời, thì điều này cũng có nghĩa là hầu hết các cuộc tấn phong linh mục là vô hiệu hay sao? Nếu là vô hiệu thì hầu hết các thánh lễ là vô hiệu hay sao? Hầu hết các lần giải tội là vô hiệu hay sao?

Thẩm quyền của Giáo Hộ một phần dựa vào tuyên bố của Giáo Hội trong việc có thể thông ban các Bí Tích và các giáo huấn của Chúa Kitô. Giáo hoàng Phanxicô đã gieo nghi ngờ về thẩm quyền của Giáo Hộ và đã bôi bác việc thông ban các Bí Tích và giáo huấn của Chúa Kitô, và khi thực hiện hai việc này, ông ta đã đặt nghi vấn về tính hợp hiến của Giáo Hội.
Những tuyên bố của ông ta xuất hiện sau khi ông ta đã gây ra nhiều sự hoang mang cho đời sống hôn nhân Công Giáo bằng cách để cho hồng y phóng khoáng Walter Kasper kiểm soát Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vào năm ngoái – hồng y này đã biến toàn bộ cuộc họp thượng hội đồng thành cuộc chưng cầu về những người đồng giới và việc cho phép những người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ.
Trong năm nay, giáo hoàng Phanxicô càng làm cho tình hình tệ hại hơn nữa với mớ tài liệu tạp nham về gia đình – gọi là tông huấn Amoris Laetitia – qua đó ông ta giấu nhẹm vấn đề nóng bỏng về người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ bằng một ghi chú nhỏ, và ông ta càng làm cho vấn đề trở nên mù tối hơn bằng cách viết trong ghi chú ấy rằng những cặp đôi sống trong tình trạng ấy có thể được rước lễ “trong những hoàn cảnh nhất định”. Khi được yêu cầu phải làm sáng tỏ vấn đề, thì ông lại tuyên bố rằng: “Tôi không nhớ ghi chú nhỏ đó.” Tốt thôi.
Trong lịch sử, người Công Giáo cũng gặp phải những giáo hoàng tồi tệ, nhưng kể từ khi Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô mở lối cho một giáo hoàng từ nhiệm khi không còn có thể thực thi được công việc của ông ta, thì giờ đây cũng là lúc để các tín hữu nhìn vào giáo hoàng Phanxicô và hỏi rằng: “liệu con người này có thể dẫn dắt Giáo Hội Công Giáo Thánh Thiện được không?”
Tới thời điểm này, sự việc đã rõ ràng rằng, hồng y Bergoglio đã liên tục cho thấy bản thân ông ta không thể lãnh đạo và ông ta đang gây cho Giáo Hội mối nguy hại không thể kể xiết mà hàng thập kỷ mới có thể sửa chữa được.
Giáo hoàng Phanxicô nên từ nhiệm và những người Công Giáo nên đòi buộc sự từ nhiệm này, để Giáo Hội có thể bắt đầu việc sửa chữa những sự tàn phá mà triều đại giáo hoàng ngạo mạn và ngu dốt của ông ta đã gây ra.
Adam Shaw là một Ký Giả chuyên về các vấn đề chính trị của hãng tin FoxNews.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét