Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Càng ngày càng nhiều linh mục không thể chịu đựng nổi Giáo Hoàng Phanxicô

Ông đã được giới truyền thông tôn vinh như là nhà cải cách không biết sợ hãi, nhưng nhiều vấn đề đang phát sinh liên quan đến những lời phán xét của ông ta


Vào ngày 2 tháng 1, Tòa Thánh Vatican đã công bố một bức thư của Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho các giám mục trên toàn thế giới, theo đó giáo hoàng đã nhắc nhở các giám mục rằng họ buộc phải tỏ ra ‘tuyệt đối không dung thứ’ đối với tội lạm dụng tình dục trẻ em. Ngày hôm sau, tạp chí Week của Mỹ đã cho đăng một bài nói về linh mục Mauro Inzoli của Ý, người có biệt danh là ‘Don Mercedes’ và là người có niềm đam mê đặc biệt đối với những chiếc xe hơi đắt tiền và những cậu bé vị thành niên.
Vào năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã tước các năng quyền linh mục của ông Mauro Inzoli, và việc hồi tục ông có hiệu lực.  Tuy nhiên, vào năm 2014, các năng quyền linh mục đã được giáo hoàng Phanxicô phục hồi cho ông, giáo hoàng cũng cảnh báo ông phải tránh xa các trẻ vị thành niên.
Thế rồi nhà chức trách Ý cuối cùng lại phải nhúng tay vào một loạt những lời thú tội của các trẻ vị thành niên. Vào mùa hè năm ngoái, linh mục Mauro Inzoli đã bị tuyên án bốn năm và chín tháng tù giam vì những cáo buộc về tội ấu dâm. Tòa Thánh Vatican, theo lệnh ‘tuyệt đối không dung thứ’ của giáo hoàng Phanxicô, lại từ chối cung cấp chứng cớ mà các công tố viên yêu cầu.
Nếu như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã có cách hành xử đạo đức giả như vậy đối với một vụ lạm dụng tính dục trẻ em trong hàng giáo sĩ, thì ngài sẽ bị áp lực đè cho chết bẹp: ngài sẽ bị xua đuổi ra khỏi Tòa Thánh chứ đừng nói đến việc từ nhiệm.
Nhưng phần lớn giới truyền thông trên thế giới đã tôn vinh giáo hoàng Phanxicô là một nhà cải cách không biết sợ hãi, khi ông chống lại những băng đảng mafia trong Tòa Thánh, những kẻ ham mê tính dục với các trẻ em và ‘những người tuân giữ truyền thống’. Cách nhìn nhận vấn đề như vậy đã khiến cho những kẻ thuộc phe của giáo hoàng dễ dàng che đậy vụ linh mục Mauro Inzoli trước các hãng truyền thông Tiếng Anh mãi cho tới tận cuối tuần vừa qua.
Cách nhìn nhận này có thể sẽ thay đổi trong năm 2017. Hơn hai năm qua, giới lãnh đạo hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo đã quyết đấu sống mái với nhau về một kế hoạch – mà giáo hoàng Phanxicô ngấm ngầm cổ võ – nhằm cho phép các tín hữu bị rối về đời sống vợ chồng được rước Mình Thánh Chúa. Cũng dễ hiểu khi giới truyền thông thế tục coi đây là chuyện nội bộ của Giáo Hội. Thật khó để có thể đưa tin sốt dẻo về một vấn đề gây nhiều tranh cãi mà ngay cả những nhà thần học cũng cảm thấy khó nắm bắt.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm vừa rồi, việc cho phép rước Mình Thánh Chúa bắt đầu trở nên phức tạp hơn với những vấn đề gây tranh cãi mới, tất cả đều phát sinh từ những câu hỏi không chỉ liên quan đến phán quyết của giáo hoàng mà còn liên quan đến vấn đề thần kinh của ông ta nữa.
Một con người, khi nhậm chức giáo hoàng, đã tỏ ra đơn sơ một cách rất đáng yêu – tự thanh toán tiền khách sạn nơi ông ta ở, từ chối ở trong Phủ Tông Tòa, thực hiện những cuộc gọi điện thoại cho những người đáng chú ý nơi công chúng – giờ đây đang tỏ ra là một kẻ thiếu thông cảm hơn.
Ngoài việc từ chối ở trong những dinh thự dành cho giáo hoàng hoặc từ chối đi lại bằng những chiếc xe sang trọng, ông ta đã phá vỡ truyền thống quan trọng hơn nhiều đối với một vị giáo hoàng. Ông ta đã chống lại quy ước rằng một khi đã được bầu làm giáo hoàng, thì ông ta phải ngưng ngay những chò trơi chính trị bẩn thỉu nơi trung tâm điều hành của giáo hội.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã tôn trọng quy ước này. Những kẻ phóng khoáng vốn từng phải lo sợ rằng một khi vị giáo hoàng tuyệt đối trung thành với biệt danh là ‘Rottweiler’ lên ngôi, thì ngài sẽ nhớ đến  những mối hiềm khích xưa, nhưng họ đã phải kinh ngạc và thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến ngài có cách hành xử gần như là một vị ẩn sĩ. Điều này đã tạo ra những sự rối loạn có tính bè phái vốn dẫn đến sự từ nhiệm của ngài – nhưng mãi đến cùng thì đức giáo hoàng Bênêđictô vẫn luôn là ‘Đức Thánh Cha’.
Danh xưng này hầu như đã biến mất trong giới nhân viên Tòa Thánh thời giáo hoàng Phanxicô, ít nhất là nơi những cuộc trò chuyện hằng ngày. Và khi quý vị nghe nhắc đến danh xưng này, thì nó lại mang một sự mỉa mai đến lạnh người. Chẳng hạn như người ta nói: ‘Như Đức Thánh Cha nói một cách chí lý rằng: tất cả chúng ta đều có khuynh hướng tự nhiên là ăn chất thải dơ bẩn.’
Ông linh mục Mauro Inzoli gặp rắc rối về tội ấu dâm chẳng phải là người ưa thích gì giáo hoàng Phanxicô. Nhưng trong thực tế thì giáo hoàng Phanxicô lại đề cập đến chuyện đó – một cách công khai. Vào tháng trước, ông ta đã yêu cầu giới truyền thông ngưng ngay việc loan truyền những câu chuyện không có thật, vì người ta thường hướng chiều về những thứ cặn bã mang tính bệnh hoạn’. Có nghĩa là ăn những thứ cặn bã dơ bẩn.
Tại sao ông ta lại đề cập đến điều ấy? Trang blog Rorate Caeli đã nêu lên rằng ‘vấn đề về tuổi tác hoặc vấn đề về sức khỏe’ là nguyên nhân gây ra ‘tình trạng nóng giận thường xuyên, sự thù nghịch, những lời chửi rủa và  việc dùng những lời lẽ thô bỉ của ông ta (một điều mà người ta biết là càng ngày càng thể hiện thường xuyên hơn nơi chốn riêng tư)’.
Mặc dầu vậy, đây chỉ là cách nói của người không cùng quan điểm với ông ta. Không có bằng cớ nào cho thấy rằng ông ta có vấn đề về thần kinh. Tuy nhiên, nhiều nhân viên Tòa Thánh sẽ làm chứng về những vụ nổi xung thiên của ông ta, sự thô lỗ đối với những kẻ bề dưới và việc dùng những ngôn từ hạ cấp.
Ông ta cũng có thể tỏ ra là vui vẻ, hài hước và yêu thương. Nhưng bề ngoài của nét tính cách này đang càng ngày càng đảo lộn khi đối xử với những đồng minh và những người thân cận với ông ta.
Dĩ nhiên là tất cả các giáo hoàng đều có những người thân cận với họ. Điều tạo nên sự khác biệt giữa giáo hoàng Phanxicô và những vị tiền nhiệm gần đây của ông chính là bản chất của những liên minh mà ông ta thiết lập. Có thể nói, ông ta tàn bạo hơn nhiều trong việc sử dụng quyền hành so với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đấng rõ ràng là đã toát ra vẻ uy quyền.
Một linh mục phục vụ tại trung tâm điều hành giáo hội nói rằng: ‘Bergoglio chia giáo hội thành một phe là những kẻ theo ông ta và phe còn lại là những kẻ chống đối ông ta – và nếu như ông ta nghĩ rằng quý vị thuộc phe những kẻ chống đối ông ta, thì ông ta sẽ theo quý vị sát nút’
Xin lưu ý rằng: linh mục này gọi tên cúng cơm ‘Bergoglio’ của giáo hoàng, và thậm chí không gọi ông ta là ‘Phanxicô’. Đáng chú ý là linh mục này từng là người cổ võ nhiệt thành của giáo hoàng Phanxicô trong những việc cải tổ điều hành giáo hội, và ông không hề luyến tiếc việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, người mà ông đổ lỗi là đã bỏ bê những bổn phận của một vị giáo hoàng.
Nhưng cũng giống như nhiều nhân viên Tòa Thánh, linh mục này cũng chán ngấy việc giáo hoàng Phanxicô thường gọi toàn thể những vị ở trung tâm điều hành Tòa Thánh là những ông Pharisêu của thời hiện đại – một sự so sánh để biến ông giáo hoàng Ac-hen-ti-na này thành người giống như Chúa Giêsu.
Rõ ràng giáo hoàng Phanxicô tin rằng việc nới lỏng những quy định đối với việc cho những người Công Giáo sống trong cảnh rối về hôn nhân được rước Mình Thánh là một hành động yêu thương như Chúa Kitô. Đây cũng là quan điểm của những vị hồng y đáng kính nhưng phóng khoáng vốn là những người đã cổ võ cho việc bầu chọn ông ta. Người ta thường nói rằng giáo hoàng truyền lệnh cho những chương trình hành động của họ – và thực tế là giáo hoàng khá cởi mở với những đòi hỏi của những vị phóng khoáng đối với vấn đề phó tế phụ nữ và việc những linh mục lập gia đình.
Tuy nhiên, ông ta không để cho họ lợi dụng. Theo những lời lẽ của một vị quan sát Tòa Thánh, người từng giữ chức vụ quan trọng ở Rôma trong nhiều năm: ‘Ông ta không còn khoác lên vẻ cấp tiến như trước đây nữa mà đang ra sức để tạo ra một thứ tôn sùng đối với chính con người ông ta.’ Những nhà thần học chân chính thì chán ngấy ông ta. Những kẻ thân cận trung thành thì khiến cho ông ta lo lắng – ‘và nếu các vị hồng y có quyền bầu chọn chịu khó hơn một chút, thì họ đã có thể phát hiện ra rằng ông ta là một kẻ gây chia rẽ khủng khiếp nơi những tu sĩ Dòng Tên người Ac-hen-ti-na.  
Không khó để nhận ra tính cách điển hình Mỹ Latinh trong cách dàn xếp và giải quyết những xích mích vốn đã trở nên rõ ràng trong năm vừa qua. Hầu hết các vị giám mục Công Giáo từng tin rằng giáo hoàng Phanxicô là người ăn nói thật thà và là nhà cải cách đơn sơ, có khả năng đánh động tâm hồn. Ngược lại, họ đang phải đối mặt với một ông giáo hoàng vừa hùng hổ, vừa lôi cuốn, tính khí thất thường, vừa lý tưởng hóa mà lại hay thù hằn.
Việc so sánh giáo hoàng Phanxicô với ông Trump đã lan truyền rộng khắp thành Rôma trong nhiều tháng qua, và việc này không chỉ thấy ở nơi những kẻ đối nghịch với giáo hoàng.
Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết rằng: ‘Người ta hoàn toàn không có ý định nghiêm túc. Không ai nêu lên vấn đề rằng Jorge Bergoglio đang bị cám dỗ bởi cùng những tội lỗi của tính xác thịt như ông Donald Trump.
‘Và có một sự khác biệt nữa là: người Mỹ có thể đá đít kẻ lãnh đạo già cả làm ăn đểu cáng sau bốn năm. Giáo hoàng Phanxicô thì không phải ra tái tranh cử trước hồng y đoàn. Đây là điều mà tôi tin là may mắn cho ông ta, vì sau những những thứ thảm hại và những điều vô nghĩa mà ông đã tạo ra trong những năm vừa qua, thì ông sẽ bị loại ngay từ vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên.’
Chuyển dịch từ nguồnhttp://www.spectator.co.uk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét