Hiển thị các bài đăng có nhãn Cập Nhật trong Giáo Hội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cập Nhật trong Giáo Hội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ỦNG HỘ VIỆC CẤY GHÉP CON CHIP RFID


Trong một động thái gây tranh cãi của Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng ủng hộ những công nghệ của con chip RFID và tiềm năng phi thường của những con chip này đối với nhân loại. Phản ứng hết sức mạnh mẽ đang xuất hiện vì những người Tin Lành và những người Công Giáo tin rằng những con chip RFID cấy ghép vào cơ thể là Dấu của Con Thú mà Kinh Thánh đã nói tới, liên quan đến thời cùng tận của nhân loại.
Trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần, Giáo Hoàng đã nói với đám đông các tín hữu về quan điểm của ông đối với công nghệ chip RFID và ông đã bảo đảm với đám đông các tín hữu rằng không có nguy hại nào về mặt tinh thần có thể xảy ra đối với việc cấy ghép con chip RFID.
“Chúng ta đã nghiên cứu kỹ Kinh Thánh và tôi có thể tuyên bố một cách chắc chắn rằng không có gì có thể chỉ cho thấy rằng những con chip RFID là của Satan. Nếu có bất cứ sự gì đi chăng nữa thì những thiết bị này là tặng ân từ chính Thiên Chúa, được Người ban cho nhân loại để giải quyết nhiều vấn đề về bệnh tật của thế giới.”
Ông ta đã tiếp tục kêu gọi các tín hữu hãy cởi mở tâm trí trong một kỷ nguyên mà những tiến bộ rực rỡ về công nghệ mới đang được người ta thực hiện mỗi ngày. Giáo Hoàng đã giải thích cho những người tham dự buổi tiếp kiến về sự phấn khích của ông đối việc cấy ghép con chip RFID, một thủ tục bắt buộc đối với tất cả những nhân viên và những người cư trú trong Tòa Thánh Vatican.
Nhiều người dự đoán rằng đến cuối năm 2017, thì hầu hết mọi người sẽ phải gắn con chip RFID. Không có gì đáng ngạc nhiên khi xét thấy rằng nhân loại càng ngày càng lệ thuộc vào công nghệ. Với sự tiến bộ của những sản phẩm như kính thông minh Google Glass, thì con người và máy móc càng ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Việc cấy ghép con chip RFID một cách rộng khắp sẽ là một bước nhảy vọt vĩ đại và mang tính lịch sử vào một tương lai huy hoàng và không tưởng.

Chuyển dịch từ nguồn: http://washingtonweeklynews.com

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Một cái nhìn sâu sắc hơn


Một cái nhìn sâu sắc hơn về việc

Giáo Hoàng Chế Nhạo Những Người Tuân Giữ Truyền Thống

Việc Giáo Hoàng kết án họ thiếu bác ái, đáng buồn thay lại thể hiện nơi chính những lời lẽ của ông ta.  

Tại Rôma, cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục đầy tai tiếng về gia đình đã phải thắng lết bánh mới dừng lại được vào cuối tuần trước nhưng chỉ sau khi Giáo Hoàng Phanxicô ra thêm một số đòn để công kích những người tuân giữ truyền thống, những người mà ông chế nhạo là vô cảm trong những lời chỉ trích cuối cùng của ông ta.
Bài diễn văn của ông ta đáng chú ý ở tính đê tiện của nó, đồng thời nó cũng thể hiện chính sự thiếu bác ái mà ông vẫn thường gán ghép cho những người tuân giữ truyền thống. Ông ta tuyên bố rằng cuộc họp Thượng Hội Đồng đã phơi bày “những tâm hồn khép kín vốn hay núp sau ngay cả những Giáo Huấn hoặc những đường hướng tốt của Giáo Hội, để ngồi trên tòa ông Mô-sê mà phán xét, đôi khi phán xét những hoàn cảnh khó khăn và những gia đình bị tổn thương bằng địa vị cao sang và bằng sự hời hợt bên ngoài.”
Ông nói tiếp rằng: “Mục đích của Thượng Hội Đồng là để mở ra những chân trời mới rộng lớn hơn, đồng thời vượt lên trên những thứ lạc thuyết và những quan điểm hẹp hòi, cốt là để bảo vệ và truyền bá tự do của con cái Thiên Chúa và để loan truyền vẻ đẹp của Tinh Thần Kitô Hữu Mới mà đôi lúc đã bị che lấp bởi thứ ngôn ngữ cổ xưa hoàn toàn khó hiểu.”
Với những đòn tấn công ào ạt mang tính khuynh tả của Giáo Hoàng Phanxicô, thì câu hỏi “Giáo Hoàng có phải là người Công Giáo không?” càng ngày càng tỏ ra thực tế hơn. Nếu những vị Giáo Hoàng tiền nhiệm đọc được những lời phát biểu nêu trên, thì họ sẽ đưa ra kết luận là người phát ngôn này mang trong mình tư tưởng thần học của những kẻ thuộc bè phái Thệ Phản phóng khoáng. Họ sẽ phát hiện ra những sự tương phản đầy giả dối giữa Thiên Luật và lòng từ bi mà Giáo Hoàng Phanxicô thường hay dựa vào, một thứ tình thương hời hợt, và họ sẽ phát hiện ra việc ông ta thường hay dùng đến những lỗi lầm nhỏ nhặt và  những việc làm mang tính động cơ để chống lại những người tuân giữ truyền thống, là một vết nhơ xấu xa đối với triều đại Giáo Hoàng. Với một Giáo Hoàng như ông ta thì những người Công Giáo chân chính không cần phải có thêm những kẻ thù.
Tất cả những phát biểu dõng dạc nhưng lệch lạc của các chuyên gia về “phong cách” của Giáo Hoàng tỏ ra rất kém thuyết phục. Ông ta chẳng hề có phong cách gì. Ông ta là một người Công Giáo theo cánh tả một cách công khai, hoàn toàn sống thoải mái với những thứ dị giáo hiển nhiên ngay trong dòng tu của ông ta và trong ban bệ đặc biệt cùng với những Hồng Y của ông ta. Hồng Y Walter Kasper, người mà Giáo Hoàng Phanxicô xác định là một trong những nhà thần học “yêu thích” của ông ta và Hồng Y Reinhard Marx của Đức, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông ta, xứng đáng là học trò của Martin Luther.
Những kẻ ra sức tuyên truyền một cách tuyệt vọng cho Giáo Hoàng đang nói rằng: Ông Phanxicô này có thể không có tư duy sâu sắc nhưng ít ra thì ông ta có tâm hồn quảng đại. Nếu quả thật là như vậy thì dường như ông ta có thể thông cảm với tất cả mọi người ngoại trừ những người Công Giáo chân chính, những người mà vì lòng trung thành của họ với đức tin đang phải sống với sự lấn lướt không ngừng của chủ nghĩa duy vật, và họ đang bị khinh miệt.
Giống như nhiều tu sĩ Dòng Tên hiện đại, Giáo Hoàng Phanxicô thường cho người nghe có cảm tưởng như là ông ta yêu quý mọi tôn giáo ngoại trừ tôn giáo của chính ông ta. Ai lại có thể tưởng tượng được việc ông ta ra rả nói về các giáo sĩ Hồi Giáo, giáo sĩ Do Thái hoặc thậm chí là nói về các bà sồn sồn trong phong trào phụ nữ đòi bình quyền một cách cay độc như cách ông ta thường dùng để khinh miệt những người Công Giáo truyền thống? Nếu ông ta làm như vậy, thì ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm về một cuộc khủng hoảng “đại kết”.
Vào lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng của ông ta, máy quay phim đã bắt được cảnh ông ta châm chọc một cậu bé giúp lễ nghiêm túc vì chắp tay lại một cách trang nghiêm. Giáo Hoàng đã hỏi cậu bé giúp lễ bị chọc cho ngượng ngùng rằng: Hai tay “dính” vào nhau à? Giai thoại về đoạn phim đó lại đang được loan truyền để gây cười nơi những tu sĩ Dòng Tên phóng khoáng. Khi ghé thăm hầu hết những trường học hoặc trường cao đẳng thuộc Dòng Tên, quý vị sẽ gặp phải những kiểu chế giễu phản Công Giáo tương tự như vậy mà người ta bày ra như là một hình thức “đổi mới.”
Trong những lời chỉ trích cuối cùng tại Cuộc Họp Thượng Hội Đồng, Giáo Hoàng Phanxicô đã mạnh mẽ công kích những người chân chính và ca ngợi những người không theo truyền thống, đồng thời ông xác định những người không theo truyền thống là “những người chân thật trong việc bảo vệ tín lý” vì họ ưu tiên cho “con người” thay vì ưu tiên cho “những tư tưởng”, vì họ “vượt qua được những cám dỗ có tính lặp đi lặp lại của người anh cả (Lc 15,25-32) và và những người thợ làm vườn nho ghen tỵ (Mt 20:1-16).”
Nếu những vị Giáo Hoàng trong tương lai có xem xét những lập luận rẻ tiền này một cách nghiêm túc, thì họ sẽ phải viết lại dụ ngôn đứa con hoang đàng, đồng thời phải loại bỏ bất cứ lời kết án nào đối với cậu ta vì ăn chơi với bọn đàng điếm. Hóa ra việc ăn ở với nhau bên ngoài đời sống hôn nhân bất khả phân ly lại chẳng phải là vấn đề gì to tát. Câu chuyện có thể được viết lại với tựa đề là: đứa con cấp tiến, một đứa con tiên phong của “Tinh Thần Kitô Hữu Mới” mà việc trao Mình Thánh cho những người sống trong tình trạng ngoại tình đang hứa hẹn. Trong câu chuyện đứa con cấp tiến, thì người cha bị ám ảnh bởi tội lỗi sẽ phải khóc vì tính cứng nhắc của chính ông ta và ông sẽ nhờ hãng chuyển phát nhanh FedEx giao con bê đã vỗ béo đến tận nhà thổ mà cậu con đang ở.
Theo lời Hồng Y Donald Wuerl khi phát biểu với tạp chí America, một tạp chí của Dòng Tên vốn tự đề cao Dòng Tên về việc hạ thấp truyền thống gia đình Công Giáo bằng những luận điệu cổ võ cho thứ luân lý hiện đại, thì cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục là một thành công lớn, vì cuộc họp này đã đưa Giáo Hội ra khỏi “quy định của giáo luật” và hướng đến một sự tự do trong việc “hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu Kitô đã nói với các môn đệ của Người rằng: “‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” Người ta có thể hiểu đây là lời phê phán của Người đối với Cuộc Họp Thượng Hội Đồng mà ở đó Giáo Hội đã chuyển ‘không’ thành ‘nửa có’, ‘nửa không’. Một sự mờ ám của tên ác quỷ là thứ chính thống mới và thứ “không khí trong lành” của Giáo Hội ngửi giống như mùi khí thối.

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Thượng Hội Đồng Giám Mục và Cửa Hỏa Ngục


Trong suốt tháng 10, một dòng thác lũ của những cảm xúc lo âu, tức giận, hoang mang và thậm chí là tuyệt vọng đã càn quét các tín hữu Công Giáo. Những bản phúc trình từ Rôma liên quan đến Thượng Hội Đồng đã cho người ta cảm giác thực sự của việc ngồi trên tàu lượn. Trước hết là việc xuất hiện những bản phúc trình cho thấy rằng Thượng Hội Đồng có thể bỏ phiếu để thông qua việc cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước Mình Thánh, nhưng rồi lại xuất hiện những lời đồn đại nói rằng đề xuất của Hồng Y Kasper đang bị loại bỏ. Đã có một sự bàn bạc hết sức sâu rộng về vấn đề tính dục đồng giới tại Thượng Hội Đồng. Giáo Hoàng Phanxicô đã loan báo việc thành lập một thánh bộ mới về gia đình và Giáo Hoàng cũng đã kêu gọi việc phân quyền trong Giáo Hội.
Trong khi đó các tín hữu Công Giáo lại đang nghe văng vẳng những lời tiên tri của Đức Mẹ tại Akita về việc “Hồng Y chống đối Hồng Y, Giám Mục chống đối Giám Mục,” một phần cũng là vì những việc làm mờ ám của một số nghị phụ nhằm thao túng Thượng Hội Đồng. Trong tất cả những diễn biến này, thì câu nói được các tín hữu Công Giáo nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là lời hứa của Chúa Giêsu rằng: “Cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được [Giáo Hội].”

Lord
Câu 18 chương 16 của Thánh Mátthêu là câu Kinh Thánh thích hợp nhất để suy niệm trong thời buổi hoang mang hiện nay, vì câu này dường như ứng nghiệm với biết bao nhiêu mức độ khác nhau. Trong câu này, Chúa Giêsu đã nói rằng: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được.” Theo cách hiểu thông thường thì cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được Giáo Hội có nghĩa là Giáo Hội sẽ không dạy dỗ điều lầm lạc hoặc Giáo Hội không bị hủy diệt. Nhưng liệu có cách diễn đạt nào khác có ý nghĩa tương đương mà ta có thể chấp nhận được không? Khi nhắc đến việc xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô trên đá tảng để nói lên ý nghĩa rằng Giáo Hội thì trường tồn và không mắc sai phạm, thì ý nghĩa này tỏ ra thích hợp hơn. Vì thế, phần nói về cửa Hỏa Ngục có thể có ý nghĩa khác.
Chúng ta hãy xem xét câu Kinh Thánh này trong ba phần:
  1. Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá
  2. trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy
  3. cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được  
Trong phần đầu của câu nói này, Chúa Giêsu đặt lại tên cho ông Simon là Phêrô. Chúa Giêsu đã gọi Phêrô là Tảng Đá, một vật không đổi dời; một nền tảng. Cũng như khi Thiên Chúa khắc 10 Điều Răn vào đá để xác định rằng những lề luật này là trường tồn và không đổi dời, khi Chúa Giêsu Nhân Lành gọi ông Simon là một “tảng đá” (Phêrô), thì Người cũng xác định rằng giáo huấn chính thức mà Phêrô ban bố là trường tồn và không đổi dời.
Phần thứ hai trong câu Kinh Thánh này nói về nền tảng của Giáo Hội dựa trên sự vững bền không hề mắc sai lầm trong quyền giáo huấn của Thánh Phêrô. Khi Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người trên đá tảng có tên gọi là Phêrô, thì Người đang nhắc lại dụ ngôn của Người về hai ngôi nhà khác nhau, một ngôi nhà được xây trên nền đá vững chắc và một ngôi nhà khác được xây trên cát. Trong dụ ngôn đó, Chúa Giêsu đã nói rằng:

House on rock

"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.” (Mt 7, 24-25)
Chính qua dụ ngôn này cùng với việc Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh của Người trên tảng đá có tên gọi là Phêrô mà Chúa Giêsu phán rằng Giáo Hội sẽ không bao giờ sụp đổ. Nói một cách ngắn gọn thì Phêrô là tảng đá mà giáo huấn chính thức của ông sẽ không bao giờ bị sai lầm. Giáo Hội được xây trên tảng đá này và cho dù sự việc trên thế giới này có tồi tệ đến đâu đi chăng nữa thì ngôi nhà Giáo Hội sẽ không sụp đổ.
Tuy nhiên, phần ba trong Câu 18 chương 16 của Thánh Mátthêu mới là điều gây thắc mắc nhất. Chúa Giêsu đã nói rằng: “cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được.” Trong tiếng Hy Lạp, từ “gates” (cửa) là pulai mà một số Giáo Phụ đã dùng để chỉ quyền bính hoặc quyền lực. Vậy thì rõ ràng là “cửa Hỏa Ngục” nói đến quyền lực trong vương quốc của tên ác quỷ khi hắn ra sức hủy diệt Giáo Hội. Khi hiểu theo cách này thì chúng ta thấy có ý nghĩa hơn khi nói rằng “cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được Giáo Hội” cũng có nghĩa là: “quyền lực Hỏa Ngục sẽ không thắng được.” Trong khi chúng ta nên hiểu câu Kinh Thánh này là như vậy, chúng ta cũng đưa ra giả định là có một cách hiểu sát nghĩa đen nữa. Khi nghe thoáng qua thì câu nói này của Chúa Giêsu ám chỉ một tư thế phòng thủ khi Người nói rằng “cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được Giáo Hội.” Nhưng nếu hiểu theo nghĩa đen của câu này thì câu nói này không mang tính phòng thủ mà mang tính phản công, vì một lý do đơn giản là: cửa thì không phải là vũ khí tấn công.
Chúng ta hãy đọc kỹ hai câu chuyện trong Cựu Ước để xem chúng ta có thể hiểu một phần nào đó những điều mà Chúa Giêsu muốn nói. Câu chuyện thứ nhất có trong Sách Thủ Lãnh:
Ông Sam-sôn đến Ga-da. Tại đây ông gặp một cô điếm và đi với cô.
Người ta báo cho những người Ga-da rằng: "Sam-sôn đã tới đây." Họ liền bao vây và rình ông suốt đêm ấy ở cổng thành. Họ ở yên suốt đêm mà rằng: "Đợi đến tảng sáng, ta sẽ giết hắn." Nhưng ông Sam-sôn nằm ngủ tới nửa đêm, và giữa đêm ông trỗi dậy, nắm lấy cánh cổng thành cùng với hai cây cột, nhổ luôn cả then ngang, rồi vác lên vai, đi trên đỉnh núi đối diện với Khép-rôn. (Thủ Lãnh 16,1-3)
Trong Cựu Ước, Sam-sôn được đề cập đến như là một “tiên trưng.” Một tiên trưng có thể là một người, một nơi chốn hoặc một biến cố trong Cựu Ước vốn báo trước về một người, một nơi chốn hoặc một biến cố trong Tân Ước. Ông Sam-sôn là một tiên trưng cho Chúa Giêsu Nhân Lành và Giáo Hội. Trong câu chuyện này vốn rất ngắn và dường như không có gì liên quan, ông Sam-sôn ngủ tại cổng thành của quân địch, nơi mà ông sắp sửa bị mai phục và rồi ông nắm lấy cổng thành cùng với hai cây cột và vác lên một ngọn đồi. Ông Sam-sôn vác cổng thành lên ngọn đồi thì rõ ràng là một hình ảnh báo trước việc Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Canvê, nhưng với tư cách là một tiên trưng của Giáo Hội, thì điều thú vị là những gì ông Sam-sôn vác lại là cổng thành của quân địch. Không chỉ kế hoạch mưu sát ông Sam-sôn thất bại mà cổng thành cũng thực sự không thắng được sức mạnh của ông Sam-sôn.

Samson

Chúng ta cũng xem xét chiến thắng của ông Giô-suê đối với thành Giê-ri-khô. Giê-ri-khô trong Cựu Ước nổi tiếng là độc ác. Thành này độc ác đến nỗi khi chiếm được Giê-ri-khô, ông Giô-suê không chỉ ra lệnh thực hiện án tru hiến đối với mọi người sống trong thành mà còn đối với tất cả thú vật ngoại trừ cô kỹ nữ Ra-kháp và mọi người ở với cô trong nhà, vì cô đã giấu các sứ giả của ông Giô-suê. Hơn nữa, sau khi san bằng toàn bộ thành phố, ông Giô-suê đã nguyền rủa thành mà rằng:
 “Trước nhan ĐỨC CHÚA, khốn cho kẻ đứng lên 
tái thiết thành Giê-ri-khô này!
Kẻ nào đào móng dựng nền,
thì con đầu lòng của nó phải chết;
kẻ nào dựng cổng xây tường,
thì con út của nó phải mạng vong!” Nói một cách ngắn gọn thì Giê-ri-khô có thể là một hình ảnh tiên trưng của Hỏa Ngục.
Jericho

Lúc bắt đầu câu chuyện ông Giô-suê đánh chiếm thành Giê-ri-khô, thì chúng ta thấy rằng “Giê-ri-khô đóng kín cổng thành, phòng thủ chống lại con cái Ít-ra-en: nội bất xuất, ngoại bất nhập.” (Giô-suê 6,1). Tường thành Giê-ri-khô thật đáng nể bởi độ vững chắc không thể công phá được và như Kinh Thánh mô tả thì cổng thành được đóng kín. Câu 1 chương 9 trong Sách Đệ Nhị Luật cho thấy rằng Giê-ri-khô là thành lớn và “tường luỹ ngất trời.” Nhưng Giê-ri-khô, một thành chất chứa đầy tội ác, đã sụp đổ không phải do khí giới mà do đức tin. Câu 30 chương 11 trong Thư Do Thái nói rằng: “Nhờ đức tin, tường thành Giê-ri-khô đã sụp đổ, sau khi dân Ít-ra-en đi vòng quanh trong bảy ngày.”
Tường thành Giê-ri-khô đã sụp đổ vì ông Giô-suê đã làm đúng như Thiên Chúa đã truyền… qua việc cầu nguyện, vâng phục và rước Hòm Bia Giao Ước chung quanh thành, “ngay lập tức tường thành sụp đổ tại chỗ.” (Giô-suê 6, 20). Tường thành Giê-ri-khô đã không thắng được dân Israel. Nói một cách chính xác hơn thì tường thành đã sụp đổ vì những lời cầu nguyện và vì những tiếng kèn vang lên từ các tư tế và đám rước chung quanh Hòm Bia. Theo những cách diễn đạt của Tân Ước thì một cuộc chiến mạnh mẽ như vậy sẽ được dẫn dắt bởi những lời cầu nguyện của các Linh Mục và Giám Mục, những người vây quanh Hòm Bia Giao Ước Mới là Đức Trinh Nữ Maria Đầy Ơn Phúc. Nói một cách ngắn gọn thì lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng: “Cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được [Giáo Hội]” là lời khẳng định mang tính tấn công chứ không phải phòng thủ. Và vì Đức Mẹ là Hòm Bia Giao Ước Mới nên chúng ta được nhắc nhở về lời Mẹ nói tại Fatima rằng: “Cuối cùng thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ toàn thắng.”
Khi Giáo Hội tấn công những thành lũy của Hỏa Ngục thì Hỏa Ngục không bảo vệ được. Những cánh cổng sẽ được kéo ra khỏi bản lề và được vác đi. Tường thành sẽ sụp đổ. Vì Thiên Chúa đã phán với con rắn trong Vườn Địa Đàng rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ nghiền nát đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (ST 3,15). Nói một cách ngắn gọn thì quỷ dữ trong Hỏa Ngục không thắng được Giáo Hội và chỉ có thể chờ đến ngày Giáo Hội nghiền nát đầu nó. Lời hứa của Chúa Giêsu rằng: “cửa Hỏa Ngục sẽ không thắng được [Giáo Hội],” không phải là một lời khẳng định mang tính chịu đựng và cố thủ trước những cuộc tấn công của tên ác quỷ nhưng là một lời hiệu triệu đầy vui mừng để kêu gọi chúng ta bước theo Đức Mẹ trong cuộc công phá cổng thành của quân thù để giành chiến thắng!
Vậy thì quý vị hãy gạt qua một bên nỗi sợ hãi, nỗi tức giận, sự hoang mang và những cảm xúc bất an và hãy cầm lấy khí giới…Kinh Mân Côi Rất Thánh…và mạnh dạn bước ngay vào cuộc chiến chống lại quyền lực của Hỏa Ngục và hãy ghi khắc trong tâm trí những lời của ông Giuđa Macabê:
“người ta thắng trận không phải nhờ số quân đông đảo, nhưng là nhờ Trời ban cho sức mạnh. Chúng nó đến đánh chúng ta, thật bạo ngược gian tà, nhằm tiêu diệt chúng ta và vợ con chúng ta, rồi cướp bóc chúng ta ; còn chúng ta, chúng ta giao chiến để bảo toàn sinh mạng và các tập tục của chúng ta. Chính Trời sẽ nghiền nát chúng nó trước mặt chúng ta ; vậy anh em đừng sợ !"
Lạy Đức Mẹ Ban Ơn Chiến Thắng, xin cầu cho chúng con!

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Đức Hồng Y Burke: Bản phúc trình chung kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục khiến cho người ta ‘lầm lạc,” và thiếu ‘minh bạch’ về tính bất khả phân ly của hôn nhân


Rôma, ngày 26 tháng 10 năm 2015 (LifeSiteNews) – Đức Hồng Y Raymond Burke đang nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về bản phúc trình chung kết của  Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình và ngài tuyên bố rằng bản phúc trình này khiến cho người ta lầm lạc và thiếu tính minh bạch về một giáo huấn hết sức quan trọng của Giáo Hội.
Trong những phát biểu của ngài với ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register’s, Đức Hồng Y Burke đã thể hiện sự không đồng ý với phần có tựa đề “Nhận định và hội nhập” – đoạn 84-86 – vốn liên quan đến những người Công Giáo đã được rửa tội và họ là những người ly dị theo thủ tục dân sự và đã tái hôn.
Ngài nói rằng phần này là “mối quan ngại hàng đầu vì nó thiếu minh bạch trong một vấn đề chủ yếu của đức tin: tính bất khả phân ly của mối dây liên kết trong đời sống hôn nhân mà cả lý trí và đức tin đều dạy dỗ mọi người.”
Bản phúc trình chung kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục không thể hiện thực quyền trong giáo huấn của Hội Thánh và không thay đổi tín lý hoặc những kỷ luật trước đây liên quan đến việc trao Mình Thánh cho những người ly hôn theo thủ tục dân sự và tái hôn, nhưng bản phúc trình này lại đang kêu gọi những người Công Giáo ly hôn theo thủ tục dân sự và tái hôn sống “hội nhập hơn nữa vào những cộng đoàn Kitô hữu theo nhiều cách thế khác nhau có thể được.”
Một bản dịch từ Anh ngữ của phúc trình chỉ ra  rằng “Tính hợp lý trong việc trong việc hội nhập là mấu chốt trong việc chăm sóc mục vụ cho họ để họ biết rằng họ không chỉ thuộc về Thân Mình của Chúa Kitô vốn là Giáo Hội, nhưng còn để cho họ có được cảm nghiệm vui mừng và sinh được ơn ích trong sự hội nhập hợp lý này,” bản phúc trình cũng nói thêm rằng các mục tử phải “nhận định” từng trường hợp của những cặp sống chung mà không có bí tích hôn phối. Đức Hồng Y Burke đã nói với ký giả Pentin rằng “hội nhập” là một từ mang tính trần tục và mù mờ về ý nghĩa trong thần học.”
“Tôi không hiểu bằng cách nào mà nó lại có thể là ‘mấu chốt trong việc chăm sóc mục vụ dành cho những cặp hôn phối không đúng theo giáo luật.’ Mấu chốt trong việc diễn giải về việc chăm sóc mục vụ cho họ phải là sự hiệp thông được dựa trên nền tảng là sự thật về cuộc hôn nhân trong Chúa Kitô mà người ta phải sống và phải tôn trọng cuộc hôn nhân đó, ngay cả khi một trong hai người đã bị người kia bỏ rơi vì tội của chính người kia.’
“Ân sủng trong Bí Tích Hôn Phối Linh Thánh sẽ gia tăng sức mạnh cho người phối ngẫu bị bỏ rơi để họ sống trung thành với sự ràng buộc của hôn phối đồng thời tiếp tục xin ơn rỗi linh hồn cho người phối ngẫu vốn đã từ bỏ sự ràng buộc của đời sống hôn nhân.”
“Từ thời thơ ấu tôi đã biết và cho tới nay tôi vẫn còn gặp được những người Công Giáo chung thủy mà đời sống gia đình của họ vì lý do nào đó đã tan vỡ, nhưng họ vẫn là những người tin vào ân sủng của Bí Tích Hôn Phối và tiếp tục sống chung thủy với cuộc hôn nhân của họ. Ngài đã nói rằng: “Họ hướng về Giáo Hội để có được sự chăm sóc vốn giúp họ giữ lòng trung thành với sự thật của Chúa Kitô trong cuộc đời họ.”
Khi bản phúc trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục tiếp tục đưa ra trích đoạn 84 trong Tông Huấn về Gia Đình của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói về việc vị mục tử buộc phải thực hiện việc “phân định một cách thấu đáo về những hoàn cảnh” khi việc phân định này cần thực hiện cho những cuộc hôn nhân không đúng theo giáo luật, thì Đức Hồng Y Burke đã nói việc đưa ra trích đoạn này “khiến cho người ta đi sai lạc”
“Trong khi ở đoạn 84, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận những hoàn cảnh khác nhau của những người đang sống trong những cuộc hôn nhân không theo giáo luật và kêu gọi những mục tử và toàn thể cộng đoàn giúp đỡ họ với tư cách là những anh chị em chân thật trong Chúa Kitô nhờ ơn của Bí Tích Rửa Tội, thì ngài đưa ra kết luận rằng: ‘Tuy nhiên, Giáo Hội tái khẳng định cử hành phụng vụ của Giáo Hội, vốn dựa trên Kinh Thánh, trong việc không trao Mình Thánh cho những người ly dị tái hôn.”
Đức Hồng Y đã nói rằng: “Khi ấy Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở lý do của việc làm này: ‘thực tế về tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với mối liên kết trong tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người vốn được thể hiện và được chứng thực bởi Bí Tích Thánh Thể.’ Ngài cũng nêu lên một cách đích xác rằng một việc thực hiện khác đi có thể dẫn đưa các tín hữu ‘vào sự lầm lạc và hoang mang liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân.”’
Hồng Y phóng khoáng người Áo Christoph Schönborn đã gọi từ “nhận định” là mấu chốt để hiểu được toàn bộ đoạn văn trong bản phúc trình chung kết khi xử lý những hoàn cảnh hôn nhân không đúng theo giáo luật, đồng thời củng cố dự đoán cho rằng từ ngữ này sẽ được dùng để cho phép những người ly dị nhưng tái hôn theo luật dân sự được rước Mình Thánh.
Nhưng tuần trước Đức Hồng Y Francis Arinze của Nigiêria đã nói với tờ LifeSiteNews rằng, một cách khách quan những người đang sống trong tình trạng tội lỗi thì không thể rước Mình Thánh.
“Có những sự việc hiển nhiên là xấu và những sự việc hiển nhiên là tốt. Chúa Kitô đã nói về người [bỏ vợ mình] và cưới người khác và Chúa Kitô đã nói về việc làm đó là ‘ngoại tình’. Đó không phải là lời tôi. Đó chính là lời Chúa Kitô, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, Đấng là chân lý vĩnh cửu. Vì vậy Người biết Người đang nói về điều gì.”
Đức Hồng Y đã nói rằng: “Đó cũng là trường hợp mà Thánh Phaolô đã nói: ‘Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng, là ăn và uống án phạt cho chính mình.’ Đó là điều rất nghiêm trọng.”

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Việc Giáo Hoàng cổ võ cho thứ dị giáo công khai đang gây nguy hại nghiêm trọng cho Giáo Hội

Rôma ngày 23 tháng 10 năm 2015 (Bài viết của Tổng Biên Tập LifeSiteNews) – Tôi viết bài này khi đang đi trên chuyến bay từ Rôma về nhà sau chín ngày làm việc cật lực để đưa tin về Cuộc Họp Thượng Hội Đồng về Gia Đình cho tờ LifeSiteNews và làm việc với tổ chức Tiếng Nói của Gia Đình (Voice of the Family) nhằm trợ giúp các Nghị Phụ trong trọng trách của họ để bảo vệ những giáo huấn của Giáo Hội. Công việc thì mệt rã rời – có những ngày phải làm việc suốt 20 tiếng đồng hồ mà hầu như không còn thời gian cho việc nào khác ngoài việc cầu nguyện và làm việc. Và cầu nguyện thì chắc chắn là một phần của công việc. Việc tham dự thánh lễ thường ngày, việc đọc Kinh Mân Côi để xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa và sự nâng đỡ của các thánh không gì khác hơn là những việc bắt buộc phải có trong trận chiến này, một trận chiến thiên về tinh thần hơn bất cứ trận chiến nào khác.
Baldisseri-and-Francis
Giáo Hoàng Phanxicô nghe tham vấn của Hồng Y Baldisseri
Những vấn đề đang tranh cãi thì hết sức khó khăn và những vấn đề này thực sự đang báo hiệu một cuộc ly giáo lớn trong Giáo Hội Công Giáo. Thực tế là mặc cho những vấn đề họ đưa ra mang tình huynh đệ và không gây ra cảm xúc tiêu cực, nhưng những người đang bảo vệ tính chính thống của Giáo Hội đã phải chiến đấu trong một cuộc chiến không cân sức để chống lại những kẻ thù hùng mạnh vốn đang công khai đề xuất những thứ dị giáo mà không có một lời nhắc nhở nào từ phía Giáo Hoàng Phanxicô.

Năm nay, trung tâm của những người-hùng-gây-tranh-cãi trong Thượng Hội Đồng đã được chuyển từ các Nghị Phụ Châu Phi của Thượng Hội Đồng năm ngoái sang các Nghị Phụ Đông Âu. Họ đã thẳng thắn lên tiếng và nêu đích danh những sự dữ mà các hồng y và giám mục đã đề xuất và gọi những thứ được đề xuất đó là do tên ác quỷ thúc đẩy. Nhưng một vị Hồng Y đầy quyền lực đã trả đũa bằng cách tố cáo những vị Giám Mục trung thành gây ra “sự chia rẽ” và tuyên bố đó là dấu hiệu của Satan. Đáng chú ý là khi Đức Tổng Giám Mục Tomash Peta nói đến “khói của Satan” xâm nhập vào trong Giáo Hội qua những đề xuất đầy dị giáo trong Thượng Hội Đồng, thì ngài đã nói hết sức nghiêm túc. Khi Hồng Y người Áo của thủ đô Viên-na Christoph Schonborn vặn vẹo lại cụm từ “khói của Satan”, thì ông đã ngừng lại một lúc để nghị trường cười nhạo Đức Giám Mục Tomash Peta người Kazakhstan cho bõ ghét.
Những nghị phụ theo dị giáo om sòm nhất tại Thượng Hội Đồng và những vị thâu tóm hầu hết quyền lực và thực thi việc trừng phạt là những nghị phụ đến từ những quốc gia Tây Âu với sự trợ giúp của những nghị phụ phóng túng người Hoa Kỳ. Hồng Y người Đức Walter Kasper dường như lui lại phía sau Hồng Y Reinhard Marx, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, người mà bằng sự can thiệp của mình đã công bố rõ ràng đề xuất phản Công Giáo của ông ta trên trang web của Hội Đồng Giám Mục Đức nhằm cho phép những cặp tái hôn được rước Mình Thánh, sau khi họ từ bỏ những cuộc hôn nhân “có hiệu lực về giáo luật” khi những người phối ngẫu của họ vẫn còn đang sống. Ngay cả việc các cặp đôi mới tìm cách tránh né vấn đề và đưa ra quan điểm rằng họ sống chung với nhau trong sự khiết tịnh như “anh trai và em gái” cũng được cho là đúng khi  Hồng Y Marx tuyên bố rằng: “Lời khuyên để tiết chế những hành động tính dục trong mối quan hệ mới này không chỉ tỏ ra không thực tế với nhiều người. Nó còn tạo ra vấn đề gây tranh cãi khi người ta đặt câu hỏi là liệu những hành động tính dục này có bị phán xét mà không nhìn đến bối cảnh mà người ta đã sống trong đó không.
Cardinal Thomas Collins 
Đức Hồng Y Thomas Collins, một trong 13 vị đã ký tên trong bản kiến nghị gửi Giáo Hoàng Phanxicô
Các Nghị Phụ Hoa Kỳ chia rẽ làm hai phe tại Cuộc Họp Thượng Hội Đồng với việc những người do Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm cổ võ cho những thứ dị giáo và ngăn cản những người được Hàng Giám Mục của họ ở Hoa Kỳ bầu chọn để tham dự Cuộc Họp. Tổng Giám Mục Archbishop Blase Cupich  của Chicago đã công khai lên tiếng với giới truyền thông rằng ngay cả những cặp đồng tính đang sống chung với nhau cũng có thể được rước Mình Thánh. Hồng Y Donald Wuerl của Washington đã làm việc một vòng với giới truyền thông và dùng lời lẽ nặng nề để hạ nhục Tổng Giám Mục Charles Chaput của thành phố Philadelphia.
Về phía các Nghị Phụ Canada, có ba nghị phụ thu hút được khá nhiều sự chú ý. Hành động can đảm rất đáng ca ngợi của Đức Hồng Y Thomas Collins đến từ Toronto trong vai trò là một trong mười ba Hồng Y ký tên vào bản kiến nghị gửi Giáo Hoàng để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc thao túng tại Cuộc Họp Thượng Hội Đồng, đã khiến cho ngài phải chịu nhiều đau khổ. Tôi đã gặp ngài tại một nhà hàng và ngài trông rất mệt mỏi. Tôi đã bày tỏ một cách ngắn gọn lòng biết ơn của tôi đối với ngài và dâng những lời cầu nguyện để cầu cho ngài với tư cách là đại diện cho những người hoạt động vì sự sống và gia đình. Hồng Y Paul-Andre Durocher đã thiết lập được vị thế của mình một cách vững chắc trong phe của những người phóng túng cùng với Linh Mục Thomas Rosica ngay từ những ngày đầu của Cuộc Họp.  
Trong suốt tiến trình Cuộc Họp, Giáo Hoàng Phanxicô chỉ thực hiện vai trò chủ tọa trong thinh lặng và không bao giờ nhắc nhở những thứ dị giáo, nhưng trong những bài giảng của ông tại Nguyện Đường Thánh Matta, thì ông lại không ngừng tố cáo chống lại những “tiến sĩ luật” và cáo buộc họ là những người thiếu bác ái và “thái độ tự cho mình là công chính” khiến họ phản bội như những kẻ Pharisêu.
Cardinal Reinhard MarxHồng Y Reinhard Marx vào tháng ba đã nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không phải là một chi nhánh của Rôma. Thượng Hội Đồng Giám Mục không thể quy định một cách chi tiết những điều chúng tôi nên thực hiện ở nước Đức.”
Sự việc gây chấn động trong Cuộc Họp Thượng Hội Đồng đã xảy ra hôm thứ bảy khi Giáo Hoàng tự tách mình ra khỏi Cuộc Họp Thượng Hội Đồng để chủ tọa một buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục thời hiện đại. Ông ta đã lợi dụng cơ hội này để nói về việc “phân quyền” trong Giáo Hội Công Giáo. Mỉa mai thay, ông ta đã sử dụng và đã nhắc đến giáo huấn nghiêm khắc nhất của Giáo Hội liên quan đến quyền bính của Giáo Hoàng để ép buộc tiến hành một sự thay đổi mà người ta đang diễn giải là làm phân rã quyền lực của chính đương sự là Giáo Hoàng. Quyền bính của Đá Tảng Phêrô do Chúa Kitô thiết lập là độc nhất vô nhị trong Giáo Hội Công Giáo và chỉ được ban cho Phêrô (trong vai trò là Giáo Hoàng) để bảo đảm sự hiệp nhất và lòng trung thành của Giáo Hội.
Hầu như khó có cách nào để có thể diễn tả những gì giờ đây đang xảy ra ở Rôma. Trước Cuộc Họp Thượng Hội Đồng, chúng ta đã chứng kiến Hồng Y Marx, một trong 9 Hồng Y cố vấn hàng đầu của Giáo Hoàng, đã công khai tuyên bố rằng Giáo Hội Đức “không phải là chi nhánh của Rôma” và Giáo Hội Đức sẽ xúc tiến đề xuất trao Mình Thánh cho những người ly dị tái hôn. Ông ta đã nói điều đó một cách rõ ràng và đó là một thứ dị giáo hiển nhiên tại Cuộc Họp Thượng Hội Đồng mà không hề có sự phản đối nào từ phía Giáo Hoàng. Và Giáo Hoàng lại ra lệnh phân quyền trong Giáo Hội.
Chính xác thì giờ đây các Hội Đồng Giám Mục có thể làm được gì ngoài việc thay đổi Giáo Huấn của Hội Thánh? Như Đức Hồng Y Arinze đã nói với tôi trong cuộc phỏng vấn tại Rôma rằng, các Hội Đồng Giám Mục không thể làm được bất cứ sự gì ngoài việc thay đổi đức tin và luân lý và nếu như họ thay đổi đức tin và luân lý thì họ không còn là người Công Giáo nữa.  
Synod on the Family 2015
Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình 2015
Dường như tất cả những lầm lạc của Công Đồng Vaticăn trong thập niên 60 đã trở lại để ám ảnh chúng ta. Thay vì phải hoàn toàn loại bỏ và xử lý một cách thích đáng những thứ lầm lạc hoặc phải loại trừ những kẻ đưa ra những thứ dị giáo, thì họ lại chỉ nhẹ nhàng khiển trách, nên giờ đây chúng ta đã chứng kiến bảy thứ quỷ mới cùng với thứ quỷ đầu tiên đang tàn phá Giáo Hội. Chắc chắn những thời điểm khốn khó hơn nữa sẽ đến với Giáo Hội và thậm chí sẽ còn có sự hoang mang khủng khiếp hơn nữa.
Trong khi bức tranh của Giáo Hội có thể trông ảm đạm, nhưng chúng ta không có lý do gì phải lo lắng. Chúng ta tin vào lời hứa của Chúa Kitô rằng cửa hỏa ngục sẽ không thể thắng được Giáo Hội của Người. Hơn nữa, qua chuyến đi ngắn ngủi vào trong trung tâm của cuộc chiến, tôi đã được thấm nhuần một niềm hy vọng lớn lao. Niềm hy vọng đó đến từ việc chứng kiến và cùng làm việc với những con cái nhỏ bé của Thiên Chúa, những người trong hàng giáo sĩ và giáo dân, trẻ cũng như già, những người sẵn sàng bỏ mạng sống vì đức tin. Họ là những anh hùng trong đời sống thường ngày, sẵn sàng từ bỏ danh vọng và của cải, uy thế và danh dự để sống trung thành với những giáo huấn của Chúa Kitô trong những lúc thuận lợi cũng như không thuận lợi. Họ là những người con nhỏ bé vốn sẽ tạo thành “gót chân của Mẹ Maria” mà Thiên Chúa đã tiên báo trong Sách Sáng Thế chương 3 câu 15 là sẽ nghiền nát đầu con rắn.


Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Giáo Hoàng thiết lập Thánh Bộ Mới về Gia Đình


Vaticăn ngày 22 tháng 10 năm 2015 – Ngay lúc bắt đầu Cuộc Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục trong ngày, Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố rằng ông sẽ bãi bỏ Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân và Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình và cả hai Hội Đồng Giáo Hoàng này sẽ được thay thế bằng một Thánh Bộ mới với sự tập trung cả về giáo dân và gia đình.
Tôi đã quyết định thành lập một Thánh Bộ mới với chức năng dành cho Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống và Thánh Bộ này sẽ thay thế Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân và Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Học Viện Giáo Hoàng về Sự Sống cũng sẽ được sáp nhập vào Thánh Bộ mới này.
Vì mục đích này, tôi đã thiết lập một ủy ban đặc biệt vốn sẽ chuẩn bị một văn bản nhằm phác thảo những chức năng của Thánh Bộ mới theo đúng chuẩn mực của giáo hội. Văn bản này sẽ được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp của Hồng Y Đoàn vào tháng 12 tới.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mà Giáo Hội đã phong lên bậc đáng kinh, thành lập vào năm 1967 và được giao nhiệm vụ trợ giúp Đức Thánh Cha trong những vấn đề có liên quan đến những đóng góp của giáo dân trong đời sống của Giáo Hội, trong vai trò là những cá nhân hoặc những cộng đoàn hoạt động trong Giáo Hội. Theo bản tông hiến Pastor Bonus năm 1988, thì nhiệm vụ của Hội Đồng là để khuyến khích và nâng đỡ giáo dân tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội bằng chính cách sống của họ, trong vai trò cá nhân hoặc những đoàn thể, đặc biệt là giúp họ thực hiện trách nhiệm đặc biệt trong việc chu toàn những sự việc trần thế theo tinh thần Phúc Âm.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình , do thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập năm 1981, có trọng trách “đề cao việc mục vụ và công tác tông đồ dành cho gia đình, dựa trên việc áp dụng những giáo huấn và những đường hướng trong Huấn Quyền của Hội Thánh. “Chức năng của Hội Đồng có liên quan đến việc chuẩn bị hôn nhân, cách dạy giáo lý cho gia đình, linh đạo trong đời sống gia đình, những quyền lợi của gia đình cũng như dân số học, ngừa thai và phá thai.
Người ta cho là Thánh Bộ mới này sẽ kết hợp sự tập trung của cả hai Hội Đồng Giáo Hoàng vào trong một tổ chức cùng với sự đóng góp của Học Viện Giáo Hoàng về Sự Sống. 

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cảnh báo: Các Nghị Phụ muốn đảo lộn giáo lý Công Giáo


Rôma ngày 20 Tháng 10 năm 2015 (VoiceoftheFamily) – Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki một lần nữa lên tiếng mạnh mẽ chống lại các nỗ lực tại Thượng Hội Đồng về gia đình nhằm phá bỏ tín lý. Dưới đây là lời tuyên bố trên trang web của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan:
Đức Tổng Giám Mục Gądecki: Họ đang ra sức đẩy mạnh những thay đổi về tín lý
Những thay đổi về kỷ luật mà một số Nghị Phụ đề xuất liên quan đến việc cho những người đã ly dị được rước Mình Thánh, hiển nhiên cho thấy nỗ lực nhằm ngấm ngầm đưa những thay đổi vào trong tín lý của Giáo Hội. Đây là điều mà Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki nêu lên khi ngài đang tham dự cuộc họp Thượng Hội Đồng về gia đình.
“Trong thực tế thì tất cả mọi người đều đang lặp đi lặp lại rằng sẽ không có sự thay đổi về tín lý, nhưng người ta hiểu việc không thay đổi này theo nhiều cách khác nhau. Vì nếu quý vị ở trong nhóm những người đưa ra đề xuất thay đổi mà sự thay đổi về kỷ luật là có thể được, thì điều này có nghĩa là trong thực tế, tính bền vững của tín lý đang bị vô hiệu hóa. Theo quan điểm của tôi người ta không thể nói về việc tách rời các cử hành phụng vụ của Giáo Hội ra khỏi tín lý hoặc những giáo huấn của Giáo Hội. Cử hành phụng vụ và tín lý là không thể tách rời. Tôi có cảm tưởng rằng những người ủng hộ chủ nghĩa hiện đại đang thực sự nghĩ về việc thay đổi tín lý, tuy nhiên họ lại gọi đó là thay đổi trong kỷ luật của Giáo Hội. Đây là một điểm gây lo ngại trong các cuộc thảo luận, vì với quan điểm này thì người ta mạnh mẽ tuyên bố rằng: "Chúng tôi chấp nhận toàn bộ tín lý", nhưng gắn liền với quan điểm này là một sự gợi ý rằng tín lý chẳng có liên quan gì. Đây là điều đang khiến tôi hết sức lo ngại. Vì có người này người kia đang tuyên bố rằng họ không muốn thay đổi tín lý. Vậy thì từ đâu lại đang phát sinh những việc thực hành chống lại tín lý?”
Đức Tổng Giámmục Gądecki đã mô tả rõ tính hai mặt của những kẻ theo chủ nghĩa hiện đại mà Thánh Giáo Hoàng Piô X cũng đã cảnh báo năm 1907 như sau:
Họ là kẻ hai mang, vừa sống như một kẻ duy lý trí và lại là người Công Giáo, và lối sống này hết sức thủ đoạn ở chỗ họ dễ dàng dẫn đưa những người không cẩn thận vào tình trạng lầm lạc…Vì thế trong sách lược của họ một mặt người ta có thể thấy rõ những điều được Giáo Hội Công Giáo cho phép, nhưng mặt khác người ta cũng gặp phải những vấn đề mà rất có thể do một kẻ duy lý trí áp đặt.
Và vào năm 1974, Đức Giáo Hoàng Piô VI cũng đã cảnh báo về những ý tưởng cấp tiến trong tôn giáo vào thời của ngài như sau:
... không thể bao biện theo cách mà người ta đang thực hiện, với lý do sai lầm rằng những lời khẳng định gây hoang mang khủng khiếp ở nơi này lại được đề cao hơn nữa cùng với những tư tưởng chính thống ở nơi khác và thậm chí ở những nơi khác nữa lại được coi là đúng đắn; như thể người ta đang cho phép vừa khẳng định lại vừa chối bỏ những lời tuyên bố gây hoang mang khủng khiếp hoặc để mặc cho những hướng chiều của bản thân từng con người – đó là đường lối hết sức dối trá và nguy hiểm mà những kẻ cố ý gây ra tình trạng lầm lạc thường sử dụng. Đường lối này cho phép người ta vừa có thể đề cao những lỗi lầm lại vừa bao biện cho lỗi lầm ấy.
Các giám mục Đức do Hồng Y Marx dẫn đầu, đang nỗ lực hợp lý hóa giáo lý Công Giáo bằng cách thao túng kỷ luật trong Giáo Hội để những người sống ngoại tình mà không ăn năn hối cải được rước lễ. Tổ chức Voice of the Family ca ngợi ĐứcTổng Giám Mục Gądecki vì can đảm chống lại các Giám Mục Đức. Tuy nhiên, chúng ta cũng cảm thấy đau buồn vì 70 năm sau khi kết thúc Chiến Tranh Thế Giới thứ II, thì đường ranh giữa hai nước giờ đây dường như lại đang chia rẽ Giáo Hội, với một bên là những tư tưởng lệch lạc và một bên là đường lối của Giáo Hội Công Giáo. Xin hãy cùng với chúng tôi cầu nguyện cho Giáo Hội trong thời điểm quan trọng này.

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Đức Hồng Y Arinze kết hiệp với các Đức Giám Mục Châu Phi nhằm bác bỏ những thay đổi do người ta đề xuất


“Chẳng lẽ chúng ta không nên gọi tên sự việc theo đúng bản chất của chúng, những gì tốt thì phải gọi là ‘tốt’ những và những gì là ‘xấu xa’ thì phải gọi là ‘xấu xa’ hay sao?”
Rôma ngày 19 tháng 10 năm 2015 – Đức Hồng Y Francis Arinze, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Phụng Tự đã kết hiệp với nhiều Giám Mục Châu Phi đồng hương của ngài trong việc lên án những thay đổi trong Giáo Hội mà người ta đang đề xuất.
Trong hai cuộc phỏng vấn mới đây, Đức Hồng Y Arinze đã bác bỏ đề xuất cho phép những người Công Giáo ly dị theo thủ tục dân sự và những người “tái hôn” được rước Mình Thánh.
Vào ngày thứ tư, ngài đã chia sẻ với trang mạng Crux rằng ngài tin người Châu Phi “muốn Thượng Hội Đồng có được tiếng nói rõ ràng rằng đời sống hôn nhân đến từ Thiên Chúa, là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ.”
Đức Hồng Y người Nigiêria khẳng định rằng: “Hôn nhân đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người,vì thế con người không thể nào tái tạo lại hoặc định nghĩa lại hôn nhân.”
“Chúa Kitô đã nói rằng: ‘Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly,” và theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo diễn giải Lời này để khẳng định rằng một cuộc hôn nhân hoàn hảo được thánh hóa bởi Bí Tích thì không thể bị phá bỏ bởi bất cứ thứ quyền lực nào.” Đức Hồng Y Arinze đã tuyên bố nhằm thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Hồng Y Walter Kasper nhằm chính thức cho phép những người ly dị sống ngoại tình được rước Mình Thánh. Ngài đã nhấn mạnh rằng “ngay cả quyền bính của Giáo Hội cũng không thể phá bỏ được bí tích hôn phối.”
Theo luật là như vậy nên nếu một người nam bỏ một người nữ hoặc yêu cầu người nữ chia tay hoặc người nữ cũng hành động tương tự và họ đều có bạn đời mới, thì Giáo Hội không thể chấp thuận những việc làm đó. Chúa Kitô dùng từ ngữ để chỉ một người sống như vậy là: “ngoại tình.” Chúng ta không thể sửa đổi những điều mà Chúa Kitô đã nói. Chúng ta không thể khôn ngoan hơn Người hoặc không thể tuyên bố rằng “có trường hợp mà Người đã không thấy trước.” Chúng ta không thể tỏ ra nhân từ hơn Chúa Kitô.
Đức Hồng Y nói tiếp:
Ý niệm về tội lỗi không phải là điều gì đó mới mẻ mà những người tuân giữ truyền thống trong Giáo Hội thời hiện đại sáng chế ra. Chính Chúa Kitô đã gọi đó là tội lỗi và người đã dùng đến từ “ngoại tình.” Người biết Người đang nói về điều gì. Nếu chúng ta không dựa trên nền tảng là Chúa Kitô thì làm sao mà chúng ta có thể tiến lên được?
Liên quan đến việc Giáo Hội sử dụng lời lẽ nhẹ nhàng hơn đối với tội ngoại tình và tính dục đồng giới, Đức Hồng Y Arinze tuyên bố rằng ngài tỏ ra nghi ngờ khi ngài nhấn mạnh rằng:
“Chẳng lẽ chúng ta không nên gọi tên sự việc theo đúng bản chất của chúng, những gì tốt thì phải gọi là ‘tốt’ những và những gì là ‘xấu xa’ thì phải gọi là ‘xấu xa’ hay sao?”
Ngài cũng không muốn các giám mục địa phương quyết định những vấn đề này.
Có phải anh muốn nói với tôi rằng chúng ta có Hội Đồng Giám Mục quốc gia trong từng đất nước vốn sẽ chấp thuận một điều gì đó mà Hội Đồng Giám Mục trong một quốc gia khác lại cho là tội lỗi? Chẳng lẽ tội lỗi lại sắp sửa thay đổi tùy theo biên giới quốc gia hay sao? Nếu vậy thì chúng ta sẽ trở thành những giáo hội mang tính quốc gia. Phải chăng đã không có những chi phái tôn giáo trên thế giới vốn đã đi gần đến mức nguy hiểm đó hay sao?
Những Hội Đồng Giám Mục quốc gia là quan trọng và nên có vai trò rõ ràng, nhưng tôi không nghĩ rằng Hội Đồng Giám Mục quốc gia nên ôm đồm những vấn đề này. Việc làm này tỏ ra nguy hiểm như thể một quốc gia có toàn quyền quyết định điều gì là đúng và sai.
Đức Hồng Y Arinze tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ “ý thức hệ mang tính thuộc địa”, một lối diễn tả mà Giáo Hoàng Phanxicô đã tạo ra nhằm chỉ trích những vấn đề ngày càng gia tăng của những nước giàu có ở phương Tây khi không chịu trợ giúp những nước nghèo hơn nếu những nước này không chấp nhận việc ngừa thai, phá thai, kiểm soát dân số hoặc chương trình hành động của những người đồng giới.
Gần đây nữa, khi trao đổi với trang mạng LifeSiteNews vào ngày thứ bảy, Đức Hồng Y Arinze đã giải thích vấn đề một cách chi tiết hơn liên quan đến việc để cho các Hội Đồng Giám Mục trong các quốc gia giải quyết những khác biệt thâm sâu về thần học theo những cách thức khác nhau.
Ngài đã diễn giải một cách khôn ngoan rằng: “Mười Điều Răn không tùy thuộc vào biên giới các quốc gia. Hội Đồng Giám Mục trong một quốc gia không thể cho phép rằng việc cướp ngân hàng thì không có gì là tội lỗi trong quốc gia đó, hoặc không thể cho phép rằng những người ly dị tái hôn có thể rước Mình Thánh trong quốc gia đó, nhưng khi quý vị đi ra khỏi biên giới và đến quốc gia khác thì bấy giờ những việc làm đó lại là tội.”
Đức Hồng Y Arinze đưa ra kết luận rằng: “Nếu chúng ta làm như vậy, thì chúng ta biến Mười Điều Răn trở thành việc đưa ra quyết định tùy theo cảm tính trong mỗi quốc gia. Chúng ta không được phép làm như vậy.”
Vấn đề này không thể quyết định một cách riêng rẽ là vì sự hiệp thông rất quan trọng của Giáo Hội dựa trên những vấn đề về đức tin và luân lý – mà theo như Đức Hồng Y Arinze giải thích thì đó là “một sự hiệp thông không phải do Tòa Thánh Vaticăn tạo ra, cũng không phải do các nhà thần học tạo ra.”
Đức Hồng Y đã tái khẳng định rằng: “Giáo Hội thực sự không phải là một Giáo Hội mang tính quốc gia, Giáo Hội là một thân mình trong Chúa Kitô.”
Trong khi Đức Hồng Y Arinze nhìn nhận tầm quan trọng của các Hội Đồng Giám Mục trong các quốc gia nhưng ngài vẫn giữ lập trường rằng các Hội Đồng Giám Mục không được phép gây ảnh hưởng để tạo ra những thay đổi mang tính bắt buộc liên quan đến đức tin hoặc luân lý.